Truyện dịch

Tiểu thư Billy

Tác giả: Eleanor H. Porter

Chương 2: “Vỉa Quặng”

 

Bertram Henshaw gọi ngôi nhà trên phố Beacon là “Vỉa Quặng”. Điều này làm Cyril khó chịu, ngay cả William cũng không thích thú gì. Dù họ có thể hiện thế nào thì cuối cùng cũng đành tặc lưỡi, “Bertram ấy mà”. Suốt quãng đời hai mươi tư năm cuộc đời của Bertram, mọi thứ luôn luôn như vậy, “Bertram ấy mà”, câu nói đó luôn là lời nguyền rủa và cứu rỗi cho sự tồn tại của anh. 

Trong trường hợp cá biệt này, ý tưởng kỳ quặc của Bertram được tha thứ chút ít. Ngôi nhà trên phố Beacon, chỗ ở của ba anh em, đúng là một vỉa quặng vài ba lớp. 

“Bạn biết đấy, nó giống như vậy” – Bertram sẽ vui vẻ giải thích cho bất cứ người quen mới nào tỏ ra ngạc nhiên trước cái tên – “nếu tôi có thể cắt mặt tiền ngôi nhà ra như cắt lát bánh ngọt, bạn sẽ thấy rõ hơn. Nhưng chỉ cần giả sử rằng ngọn đồi Bunker già cỗi bỗng dưng phun lửa và nham thạch rồi chôn vùi chúng tôi dưới hàng tấn tro tàn, chỉ cần tưởng tượng một nhà khảo cổ tương lai bắt gặp ngôi nhà của chúng tôi sau hàng tháng trời đào bới! Họ sẽ tìm thấy gì? Nghe này. Đầu tiên, lớp thứ nhất, tầng trên cùng của Cyril, bạn biết không, họ sẽ phải chú ý đến mặt sàn trống trải, những thứ đồ nội thất thưa thớt nhưng nặng nề, đàn dương cầm, vĩ cầm, sáo, tập giấy viết nhạc, thiếu vắng mọi thể loại rèm, đệm hay các món trang trí lặt vặt. Họ sẽ bảo “Đây là nơi ở của một người đàn ông giản dị, một học giả, một nhạc sĩ, nghiêm nghị, không tình ái cũng chẳng ái tình, một thầy tu”. 

“Rồi tiếp theo là gì? Họ sẽ đụng đến lớp quặng của William, gác tư. Tưởng tượng đi! Bạn biết William là một nhà buôn trên phố State, khá giả, goá vợ, cao gầy, ăn nói chậm rãi, hơi hói, cận thị nặng, và có trái tim nhân hậu nhất thế giới. Nhưng để thực sự hiểu William, bạn phải biết cái phòng anh ấy. William sưu tầm nhiều thứ. Anh luôn luôn sưu tầm, cất giữ mọi thứ. Có chuyện là hồi một tuổi, anh ấy đã bò vào nhà với bốn hòn đá nhỏ hình tròn màu trắng. Dù sao, nếu anh ấy làm thế thật thì hẳn bây giờ anh ấy vẫn giữ bốn hòn đá đó. Mà năm nay anh ấy đã bốn mươi tuổi rồi nhé! Các bức hoạ nhỏ, ngà voi chạm trổ, sâu bọ, bướm, đồ sứ, ngọc bích, tem, bưu thiếp, thìa, nhãn hàng, tờ chương trình rạp hát, bài lá… chả có thứ gì mà anh ấy không sưu tầm. Hiện anh ấy thích ấm pha trà. Tưởng tượng xem, William và một lũ ấm! Và tất cả đều ở trong phòng anh ấy. Một đống hỗn độn long lanh! Cứ tưởng tượng các nhà khảo cổ cố gắng để thầy tu của họ sống trong phòng này!” 

“Nhưng khi họ với tới tôi, đến lớp quặng của tôi, họ sẽ thấy tệ hơn cả. Bạn biết không, tôi thích đệm và chăn lông, tôi để chúng ở mọi nơi. Và tôi thích… ờ, tôi thích nhiều thứ. Phòng của tôi không thuộc về thầy tu kia, không tí nào! Và vì thế bạn hiểu – Bertram sẽ kết thúc một cách vui nhộn -  Tại sao tôi gọi nhà mình là Vỉa Quặng. 

Và đó là Vỉa Quặng, với bạn bè của anh em nhà Henshaw, thậm chí với cả William và Cyril nữa, dù họ luôn phản đối. 

Từ thuở nhỏ, anh em nhà Henshaw đã sống trong ngôi nhà to đẹp rộng rãi đối diện vườn hoa công cộng này. Đây cũng là nơi cha họ trải qua thời niên thiếu, là nơi ông và vợ nằm xuống, không lâu sau khi Kate – cô con gái duy nhất – đi lấy chồng. Ở tuổi hai mươi hai, William Henshaw, trưởng nam, cưới vợ. Họ cùng nhau nuôi dạy hai đứa em côi cút, Cyril, mười hai tuổi và Bertram, sáu tuổi. Nhưng vợ William qua đời sau năm năm chung sống ngắn ngủi. Và từ đó, ngôi nhà hầu như chẳng có bàn tay phụ nữ chăm nom.

Năm tháng dần trôi, ngôi nhà cùng những người sống trong nó rơi vào đúng cái tình cảnh khiến Bertram nghĩ ra cái tên kia. Cyril giờ đã ba mươi, nghiêm trang, kín đáo, không thích mèo, chó, phụ nữ và những thứ lộn xộn, sớm đem bản thân và âm nhạc của mình lên tầng năm yên tĩnh và biệt lập. Ở tầng dưới, William làm nản chí bất cứ ai muốn quấy rầy ông bằng khối tài sản hỗn độn quý giá, và cuối cùng tiến tới dành hầu hết thời gian rỗi bên chúng. Việc này khiến Bertram hiển nhiên trở thành chủ nhân của tầng ba, và thật vương giả khi anh thống trị chốn này bằng màu, cọ và giá vẽ, những bộ áo giáp cổ, những màn trướng lộng lẫy, thảm và đệm, và khắp nơi là món đặc sản của anh, “Gương mặt thiếu nữ”. Từ những bức tranh, phác thảo và panô, họ nhìn ra, những gương mặt con gái: quyến rũ, ngang bướng, sỗ sàng, từ tốn, vui, buồn, đẹp đẽ, thậm chí gần như xấu xí, họ đều ở đó và họ đều sắp trở nên nổi tiếng nữa. Giới nghệ thuật bắt đầu chú ý, bắt đầu chỉnh sửa nó cho hợp với những con mắt phê bình. Bộ tranh “Gương mặt thiếu nữ” của Henshaw hứa hẹn sẽ trở nên đáng giá. 

Bên dưới tầng ba đầy hân hoan của Bertram là thư viện và phòng vẽ cũ kỹ, tối mờ, tĩnh lặng, trang nghiêm và gần như chẳng bao giờ được sử dụng. Dưới nữa là tầng trệt với phòng khách và bếp, nơi Dong Ling, anh bếp người Hoa, và Pete cai quản.

Pete là… quả thực hơi khó nói Pete là ai. Ông nói ông là quản gia, và những lúc đi ra mở cửa chính khi có chuông gọi, trông ông cũng giống quản gia thật. Nhưng những lúc khác, khi ông quét phòng, phủi bụi những thứ đồ cổ của William, trông ông chẳng khác chính ông: một ông già trung thành rối rít, người muốn từ giã cõi đời trong vai trò mình đã làm suốt năm mươi năm qua từ khi còn là chú bé. 

Cứ thế, ngôi nhà trên phố Beacon chẳng có bàn tay phụ nữ chăm lo đã nhiều năm. Thậm chí Kate, người chị gái đã xuất giá, từ lâu cũng bó tay với việc chỉ dạy Dong Ling hoặc quở trách Pete, dù bà vẫn từ ngôi nhà trên phố Commonwealth của mình, đi ngang qua vườn hoa công cộng, nhẹ bước lên những bậc cấp để tìm gặp Bertram, William và Cyril.

 

Theo các bạn, "Vỉa Quặng" sẽ ra sao khi có thư của Billy?

Chỉ có William hoảng hốt
Cả nhà xôn xao vì kinh ngạc
Đánh nhau tranh đọc thư
Vẫn tĩnh lặng, ai lo việc nấy
Ý kiến khác (xin nói rõ)


(View Results)

Create a Poll

 

 

Trở lại  

Lời giới thiệu và Mục lục truyện

Xem tiếp  

Chương sau

 

 © Tran Thu Trang