Góc đọc sách

Hoa hồng trả về cho đất, tình bạn thì ở lại (*)

Tặng Jinxia và Julia

Nghe lời quảng cáo của cô bé giúp việc hiệu sách quen và tò mò vì dòng chữ “Giải B” trên bìa, tôi đã đem Trả hoa hồng cho đất về với mình. Thêm vài tiếng đồng hồ để đọc. Và thêm khoảng thời gian dài hơn một đêm để bâng khuâng.

Một cuốn sách không quá dày, chưa tới 400 trang khổ 13x19. Giấy trắng đẹp, trình bày gọn gàng chỉn chu dù bìa ngoài có hơi nam tính nếu so với cái tên ướt át.

Không có lời giới thiệu riêng. Không có lời tác giả (Nguyễn Thị Diệp Mai - trước nay tôi loáng thoáng biết cái tên này qua đôi ba truyện ngắn). Chỉ một điểm đáng chú ý là cuốn sách này đứng ngang hàng với Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ của “Hoàng tử bé” Nguyễn Ngọc Thuần trong cuộc thi Sáng tác văn học cho tuổi trẻ - NXB Thanh Niên. Điều này khiến tôi tò mò và hơi nghi ngờ về thành phần giám khảo bao gồm toàn những nhà văn có tiếng như Ma Văn Kháng hay Nguyễn Khắc Trường. Vì vậy nên tôi đọc.

Câu chuyện cũng chẳng có gì. Một nhóm bạn nam nữ ở Kiên Giang, chơi với nhau từ nhỏ, cùng ra Hà Nội học. Nhóm bạn này lại có liên hệ với hai cô gái chênh lệch tuổi nhưng thân thiết như ngang hàng.

Cô gái lớn hơn có một mối tình 6-7 năm ròng với một người con trai cùng trường. Trong một mùa hè xa nhau, cô gái đã xao nhãng người yêu và trải qua những cảm xúc lạ lùng nhưng cũng rất nồng nàn với một người con trai khác (người này là thành viên nhóm bạn và cũng là bạn thân của cô gái nhỏ tuổi hơn). Cô chợt nhận ra là người đến sau mới thật sự đem lại cho cô những rung động yêu đương, còn với người kia chỉ là một tình cảm gần như tôn thờ thần tượng. Cô quyết định chia tay người thứ nhất bất chấp những điều tiếng. Nhưng cô lại để mặc cảm tội lỗi ngăn cản mình, cô vẫn giữ sự tôn thờ về hình bóng người yêu cũ và không đến với người thứ hai dù anh luôn chờ đợi.

Cô gái nhỏ hơn có một mối cảm mến đầu đời lãng đãng như sương khói. Sương khói tan biến vì người ra đi không về, cô khép lòng một thời gian, chỉ sống vì bạn bè trong nhóm và người bạn gái hơn tuổi kia. Rồi cô yêu và chung sống với một người trong nhóm bạn. Hai người cũng như hai bên gia đình đã quyết định ngày cưới. Nhưng rồi gần đến ngày cưới, người con trai thú nhận là anh phản bội, anh không yêu cô bằng người bạn cùng phòng yếu đuối của cô và anh cùng cô bé yếu đuối kia sắp có con. Đám cưới vẫn nhất định phải diễn ra, nhưng cô dâu thì thay đổi. Cô gái uất hận bỏ lại tất cả lên Sài Gòn sống và làm việc, vẫn giữ liên lạc với nhóm bạn trong một chừng mực nhất định. Ba năm trôi qua, cô tình cờ gặp lại người yêu đầu tiên của bạn mình…

Nói chung, câu chuyện là những mối quan hệ đan cài giằng néo vào nhau một cách rất… tiểu thuyết, thậm chí rất tiểu thuyết sến (như cái loại mà sách của tôi vẫn hân hạnh được xếp vào ấy)! Nhưng Trả hoa hồng cho đất đã không sến ở một vài điểm.

Trước hết là giọng văn. Trả hoa hồng cho đất được viết giản dị và mộc. Tác giả không tung ra nhiều câu triết lý cầu kỳ hay những đoạn đối thoại lắt léo đắt giá. Toàn bộ mấy trăm trang sách là những câu văn gọn gàng sạch sẽ, làm người ta liên tưởng đến một tác giả cùng ở miệt địa… cuối Tổ quốc khác là Nguyễn Ngọc Tư. Không lên gân, không quá trau chuốt, có cảm giác những câu chuyện cứ diễn ra như dĩ nhiên nó phải thế. Ngay cả những chuyện như tình dục hay sống thử trước hôn nhân cũng được diễn tả bằng giọng văn rất chừng mực, có thể nói là tỉnh táo. Tất nhiên chẳng vì thế mà cuốn sách mất hẳn điểm nhấn. Những đoạn miêu tả tâm trạng nhân vật của nó không hiền lành chút nào, thậm chí có cả những từ ngữ dằn vặt dữ dội.

Dù không có chi tiết nào nói rõ thời điểm (trừ dòng chữ in nghiêng cuối sách ghi Rạch Giá 1996 - 2002), không hề có bóng dáng của chiếc máy vi tính hay ký tự @, người đọc vẫn cảm nhận khá đầy đủ rằng mình đang được theo dõi câu chuyện của một lớp người trẻ tuổi trong thời hiện đại. Trong cuốn sách, những người trẻ học hành, làm việc, giải trí, yêu đương, lo lắng, giận hờn, chia tay, gặp gỡ… như trong cuộc sống vốn có của họ. Những chi tiết nhỏ xíu nhưng chân thật như cô sinh viên cầm cốc đi mua chè đãi bạn hay những bông hồng bọc trong giấy báo khiến cho người đọc cảm thấy không gượng ép, không phải nhăn mặt vì những “hòn sạn” thỉnh thoảng vẫn gặp trong các tiểu thuyết mới xuất bản. Và hơn hết, cuốn sách để lại một cảm xúc đẹp về tình bạn.

Tình bạn luôn hiện diện giữa những nhân vật, chính và phụ và rất phụ, nó đã vượt lên trên tất cả những đam mê mâu thuẫn oán trách uất ức rắc rối để làm cho họ hoàn thiện hơn, trong mắt nhau, trong cuộc sống. Nhờ những chia sẻ cảm thông của tình bạn, người con gái bị tổn thương đứng vững, người con gái mặc cảm tự giải thoát, người đàn ông chờ đợi được đền đáp và người đàn ông mất tình yêu lại có được tình yêu. “Họ hạnh phúc”, một câu kết như vậy không chỉ nói về đôi người yêu nhau mà dành cho tất cả những nhân vật của cuốn sách. Những người trẻ tuổi mà những tính cách tốt - không tốt pha trộn như một ly sinh tố hấp dẫn ấy đã trải qua bao biến cố của cuộc đời, rồi nhờ tình bạn, tất cả đã tìm được (hay có được) cho mình một chốn dừng chân yên ổn.

Vậy nên,
gấp sách,
hoa hồng trả về cho đất,
tôi giữ lại một tình cảm
con người.

(Ý tứ “mượn” của Julia - người trong lời đề tặng)

 

(*) Đọc hết những dòng cuối cùng của cuốn sách, tôi vội tìm bút ghi lại câu này. Ghi ở đầu sách, như một lời đề tặng cho chính mình và cho những ai vô tình cầm đến cuốn sách của tôi.


Trở lại Góc đọc sách

Xem tiếp Bài khác

 

 © Tran Thu Trang