Góc đọc sách

Lại chuyện lối mòn dẫn ra bãi giữ xe


Xưa nay tôi khá dị ứng với các kiểu sách dạy cách sống vui, cách làm người, rèn luyện nhân cách này nọ. Đã sinh ra đời mà không biết sống cho sướng cái thân, chứ phải đợi đến hai chục năm sau để một lão rậm râu hói trán tận đẩu tận đâu dạy cho biết, thì còn làm người làm cái gì! Nhân cách là thứ mình rèn luyện ở đời, bằng những kinh nghiệm (đôi khi) xương máu, chứ sách vở nào dạy cho được. Chưa kể xã hội loài người muôn hình muôn vẻ như vậy, bài học áp dụng được với người này nhưng vào tình huống của mình nó lại phản tác dụng thì sao. Vậy mà tôi lại mua một cuốn đặc sệt chất "Đắc nhân tâm" và bây giờ phải viết cái này để gỡ gạc sai lầm.

Đó là một cuốn sách nho nhỏ tập hợp những câu chuyện nho nhỏ của một người Trung Hoa có tên tuổi nho nhỏ. Những câu chuyện thì khá vui, nói về những sự việc ứng xử mà ai cũng có thể gặp trong cuộc sống thường ngày, giản dị gần gũi. Nhưng đáng tiếc là sau mỗi chuyện lại có một vài câu giải thích đúng kiểu "lối mòn vạch sẵn dẫn ra bãi giữ xe"*. Nói cho công bằng thì việc tác giả/dịch giả (mà tôi thì tôi nghi ông dịch giả hơn) vẽ lối ra chỗ gửi xe âu cũng là sự thường. Bởi vì với những độc giả thân yêu quen với kiểu làm văn theo mẫu, đọc văn theo mẫu, diễn văn theo mẫu, thậm chí điếu văn cũng theo mẫu, thì những đường đi tráng xi măng dẫn đúng ra chỗ gửi xe khá cần thiết, không vẽ sẵn nhỡ họ đi lạc vào bụi gai hay giẫm phải... chất thải mềm rồi lại oán tác/dịch giả thì sao. 

Thế nhưng cái lối đi ở đây nhiều khi nó lộ liễu quá. Nó không chỉ tráng xi măng mà còn có cả lan can tay vịn với lại mái che. Nó không cho phép người ta được nhón chân chệch sang một tí, ngẩng đầu ngằm giời xanh mây trắng một tí. Nó cứ như một cái biển chỉ dẫn ghi "cánh đồng lúa" cắm trước một… cánh đồng lúa! Đọc cuốn sách này, tôi luôn gặp phải tình trạng vừa mỉm cười với mẩu ý nhị này lại phải cau mày với mẩu vô duyên khác. Mẩu ý nhị thì như sau: Khi người ta cáu giận phiền muộn, nếu bộc lộ ra mặt thì có nếp nhăn trên mặt, nếu giữ trong lòng thì có nếp nhăn ở tim... Xét theo dưỡng sinh thì nếp nhăn trên mặt đúng đạo hơn. Còn những mẩu vô duyên thì khó có thể nhớ mà kể lại được, vì nó nhiều và nhạt nhẽo, lắm ấy. 

Bạn nào muốn biết mồm ngang mũi dọc mắt mọc hai bên của cả mẩu vô duyên lẫn mẩu ý nhị nó thế nào thì ra hiệu sách tìm cuốn "Lời nhỏ bên song" của tác giả Lưu Dung do Nhất Cư dịch và chú giải mà xem. Dù dịch giả là bạn của bạn tôi nhưng tôi vẫn phải nói thật, nếu không bận thì bạn cứ đứng ngay tại hiệu sách đọc ké thôi, chớ mua làm gì phí tiền. Còn tôi, thôi thì lỡ mua rồi, cũng đành để trong tầm mắt, lúc nào rỗi chân buồn tay lại cầm lấy giở nhoáy một trang, biết đâu có thể gặp một cái gì ý nhị hợp với hoàn cảnh của mình lúc bấy giờ. Nhưng với bản chất một kẻ keo kiệt đã xuất bản sách, tôi vẫn thấy tiêng tiếc. Giá kể cuốn sách được in khổ nhỏ lại, bơn bớt những minh hoạ lặp đi lặp lại cây tre cành cây chiếm đến 1/4 trang giấy đi, giá bán rẻ hơn, thế có khi lại hay!

Lời nhỏ bên song - Lưu Dung, Nhất Cư dịch và chú giải, NXB Trẻ



*  Cách diễn đạt của Thảo Hảo trong tản văn "Tôi có đủ thuốc ngủ rồi" khi nói về những phần chú giải lộ liễu làm mất tính suy ngẫm của tác phẩm.

 

 


Trở lại Góc đọc sách

Xem tiếp Bài khác

 

 © Tran Thu Trang