Thư hằng tuần (số 71) 

Hà Nội, ngày 24 tháng 7 năm 2007

Tuần trước, sau khi đưa bức thư số 70 lên web, tôi nhận được nhiều phản hồi. Người đồng tình có và không đồng tình cũng có. Qua những ý kiến ấy, tôi thấy rằng mình có thể đem chủ đề Hạ Long ra để bôi thêm một bức thư nữa.

Ở một diễn đàn trên mạng nơi tôi là thành viên thường lưu truyền khái niệm ngầm “tao khen cho mày chết”. Biểu hiện của khái niệm ấy thì thế này, một số thành viên (thường là nam) thỉnh thoảng lại đổ xô vào khen bài viết của một thành viên nữ nào đó, khen với giọng điệu rất hoa mỹ, đôi khi còn thậm xưng, khen một thành mười. Những lời khen có cánh ấy thường khiến thành viên nữ kia càng lúc càng phấn khích, càng tích cực thể hiện hơn. Nếu không tỉnh táo mà để bị cuốn vào, cô ấy sẽ có khi còn tưởng mình thực sự được mười như lời khen rồi hành xử và ăn nói rất… linh tinh, trở thành trò cười cho đám đông rồi lặng lẽ mất hút khỏi diễn đàn không mảy may dấu vết.

Tôi làm thành viên ở diễn đàn ấy đã lâu, cũng lắm phen được/bị “khen cho chết” như thế, nên dần dần cũng biết cách nhìn ra phía sau lời khen xem ai là người nói ra nó, uy tín và phong cách của người ấy trên diễn đàn ra sao, có đáng tin cậy không… Và tôi thường đặt ra một câu hỏi rất quan trọng: “Mình có thực sự xứng với lời khen ấy không?”. Đến bây giờ, khi đã đưa tác phẩm đến với đông đảo bạn đọc, tôi vẫn thường áp dụng cách suy nghĩ trước lời khen như thế để đọc những ý kiến bình luận sách của mình. Điều này giúp tôi giữ được thái độ đúng mực và tránh được những lời phát biểu thất thố, ít nhất ở những nơi “công cộng, công khai” như báo và web (hôm nay, tôi xin phép được kém khiêm tốn đi một tí, vì có người mới khen tôi trả lời phỏng vấn hay).

Đọc đến đây chắc các bạn sốt ruột lắm rồi nhỉ, tôi bảo viết về Hạ Long mà lại buôn chuyện rõ nhảm nhí. Sở dĩ tôi kể lể về những kinh nghiệm bản thân như thế là để nói lên thái độ của mình về việc bình chọn cho vịnh Hạ Long. Những đề cử hay những danh hiệu kêu choang choang kia cũng giống như những lời khen. Tôi không phải là người dễ dãi với lời khen nên cảm thấy hơi gợn trong lòng khi thấy nhiều người chỉ vì một “lời khen” (theo tôi là) không đáng mà phải kêu gọi cổ động rồi hướng dẫn thực hiện bình chọn mất công, mất thời gian như thế.

Hạ Long bây giờ đã và đang (còn sẽ hay không thì chưa biết, tôi sẽ nói rõ ở phần sau) là di sản thiên nhiên thế giới, danh hiệu này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận. Bạn có thấy “lời khen” từ UNESCO xứng đáng không? Nào mình thử ngẫm xem nhé, “lời khen” từ một tổ chức chính thức, ra đời cách đây 62 năm, quy tụ các chuyên gia uy tín của nhiều nước, đã đạt được nhiều thành tựu trong việc gìn giữ các di sản và làm việc dựa trên những giám định chuyên môn so với “lời khen” từ một tổ chức tư nhân mới được thành lập cách đây 8 năm, chưa có hoạt động đáng kể nào ngoài việc lập website, thu thập mail cùng tin nhắn bình chọn, bán đồ lưu niệm và bán bản quyền truyền hình[1], bạn thích cái nào hơn?

Đến đây, tôi xin phép được quay trở lại với cái diễn đàn trên mạng mà mình đã tham gia gần 6 năm nay. Nếu bây giờ có hai người khen tôi, một là thành viên lâu năm và đã có nhiều đóng góp nghiêm túc, khen thận trọng vừa phải, còn một là thành viên chưa lâu lắm và chưa thể hiện được gì nhiều, khen tôi như thể tôi là thiên tài, trước mắt, tôi sẽ cảm ơn cả hai người theo đúng phép lịch sự. Còn về lâu về dài, tôi hẳn sẽ ghi nhớ lời khen thận trọng vừa phải mà cố gắng quên lời khen thiên tài kia dù trong lòng cũng bâng khuâng tiêng tiếc (người ta khen mình là thiên tài, sướng bỏ xừ!). Thà không được làm thiên tài mà cứ ở chơi lâu trong sự quý mến của mọi người còn hơn, chứ cứ ảo tưởng với cái lời khen có cánh kia rồi dăm bữa nửa tháng lại phải bán xới mà đi trong tiếng chì tiếng bấc thì buồn cực kỳ!

Đến đây, tôi xin phép đưa ra một thông tin nho nhỏ mà có thể nhiều bạn khi kêu gọi mọi người vào website của tổ chức tư nhân nọ bình chọn cho vịnh Hạ Long không để ý (vì thông tin không tích cực cho lắm nên báo chí chắc cũng chả đưa rầm rộ làm gì). Mới năm ngoái thôi, UNESCO đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc trước những hoạt động kinh tế mà tỉnh Quảng Ninh tiến hành ở hoặc ở gần khu vực di sản như chở than, xây nhà máy xi măng[2]… Cũng có thông tin rằng UNESCO đã cảnh báo về việc sẽ rút vịnh Hạ Long khỏi danh sách di sản thiên nhiên thế giới nếu tình hình không được cải thiện[3].

Đến đây, tôi xin trích lời bình luận của một vài độc giả sau khi các bạn ấy đọc bức thư tuần trước của tôi:

- Việc Hạ Long lọt vào bất cứ danh sách kỳ quan hay di sản nào bây giờ cũng là một thảm hoạ dẫn đến phá hủy hệ sinh thái trong vịnh. Điều tương tự đã xảy ra ở Nha Trang, khi được xếp vào danh sách 29 vịnh đẹp nhất thế giới, tỉnh Khánh Hoà đã gây ra hàng loạt những vụ tàn sát thiên nhiên xây resort. Gần đây nhất là chuyện xảy ra ở Hòn Tằm. (Kyle Vu)

- Vụ này hao hao như vụ chạy để có cái thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao... Có cái nó ở tầm thế giới thôi. (Duy Hiên)

- Bệnh thành tích của người Việt Nam quá nặng rồi :) (Nguyen L)

Còn bức thư này thì quá dài rồi! :D Túm lại, theo thiển ý của tôi, nếu các bạn thực sự muốn vịnh Hạ Long nói riêng và nước Việt Nam nói chung được biết đến, được ca ngợi trên toàn thế giới, hãy làm điều gì đó thiết thực và có tính bền vững (dù rất nhỏ thôi) hơn là việc đổ công đổ sức để đạt cho được một danh hiệu quá phô trương. Chắc hẳn bạn cũng biết giải thưởng Mâm xôi vàng song song với giải Oscar hay giải Ig-Nobel song song với Nobel. Tôi đang nghĩ đến viễn cảnh một mai có tổ chức nào đó sẽ mở cuộc bình chọn “7 quái quan thế giới”… 

Vịnh Hạ Long của chúng ta chỉ có một, còn các cuộc bình chọn trên thế giới thì nhiều.

Trang

Tái bút cho tiếng Việt: Tôi từng được nghe nhiều giai thoại về nhà văn Nguyễn Tuân trong đó có một giai thoại liên quan đến cái tính cầu kỳ ngôn ngữ của cụ. Số là thời chiến tranh, cụ đã từng từ chối vào hầm tránh bom vì một từ sai chính tả (cửa hầm có chữ “hầm chú ẩn” thay vì “hầm trú ẩn”). Gần đây, tôi có vào một trang web tương tự như Youtube nhưng của Việt Nam để lưu vài đoạn phim phóng sự, phỏng vấn mình. Trong trang web ấy, tôi thấy một chức năng được ghi là “cập nhập”. Tôi rất lấy làm khó chịu vì lẽ ra từ ấy phải là “cập nhật”, 及日, nghĩa đen là kịp thời theo từng ngày (còn nghĩa bóng thì có thể là kịp thời theo từng giây cũng nên, nhất là với môi trường internet). Tất nhiên, cốt cách của tôi không hiên ngang được như cụ Nguyễn Tuân, sau khi liên hệ với bộ phận kỹ thuật của web đó không thành công, tôi vẫn sử dụng dịch vụ tiện lợi và miễn phí của nó. Nhưng mà ai cấm tôi lôi lỗi sai này lên phần tái bút của mình cơ chứ! :p



[1] Theo Wikipedia: “NOWC relied on private donations, the sale of merchandise such as shirts and cups, and revenue from selling broadcasting rights.”

 

Xem thêm:

Thư mới nhất

Thư tiếp theo

 

 

 © Tran Thu Trang