Thư hằng tuần (số 72) 

Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2007 

Tôi có thói quen tìm kiếm và tập hợp các bài viết về tác phẩm của mình trên blog của độc giả rồi đưa lên www.sachcuatrang.com. Cho đến nay, chỉ riêng số blog viết về cuốn Phải lấy người như anh, tôi cũng đã “gom” được ngót trăm cái (liệu tôi có nên đi đăng ký kỷ lục Việt Nam cho cuốn sách được bình luận trên blog nhiều nhất không nhỉ?). Theo nguyên tắc “tốt khoe, xấu che” bình thường, tôi hoàn toàn có quyền lờ đi những bài chê, chỉ đưa vào web những bài khen. Nhưng có lẽ tôi không được bình thường lắm nên đưa luôn cả bài chê, thậm chí còn trích một số ý kiến chê phũ phàng nhất đem… in lên bìa sách khi tái bản. Hậu quả của hành động ngông cuồng này cũng khá nặng nề, nếu bạn thích, tôi sẽ kể tường tận vào một dịp khác. Giờ, ta quay lại với chủ đề chính, những bài bình luận sách của Trang trên blog. 

Trong quá trình tìm kiếm và tập hợp blog như vậy, tôi thường tự đề ra một số nguyên tắc nhỏ để tránh những phiền phức không cần thiết. Nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất là hạn chế tối đa việc nhảy vào đôi co khi thấy độc giả đưa ra những nhận xét không thoả đáng. Tôi nghĩ đơn giản thế này, những nhận xét ấy thuộc về cảm nghĩ cá nhân, mình không nên và cũng không thể can thiệp. Hơn nữa, sách của mình là một cuốn tiểu thuyết đọc cho vui chứ có phải viên ngọc long lanh đâu mà không cho người ta chê, một khi người ta đã muốn thì đến ngọc còn soi ra vết nữa là… Và thế là, dù độc giả có phát biểu những câu (theo tôi là) đáng chán đến đâu, tôi cũng thường im lặng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, những ý kiến mà độc giả đưa ra khiến tôi thực sự bất ngờ, đến nỗi không thể im lặng nữa mà phải viết thư hằng tuần. 

Cách đây không lâu, một bạn, rất trẻ, viết blog chê Phải lấy người như anh là “nhảm nhí hết sức”. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như một số độc giả khác của tôi không vào góp ý (rất nhẹ nhàng) về cách trình bày văn bản và gợi ý bạn ấy là hãy đợi khi có thêm kinh nghiệm sống thì đọc lại cuốn sách xem sao. Chỉ có thế thôi mà bạn ấy nhảy tưng tưng lên các bạn ạ. Bạn ấy bảo rằng rằng Trần Thu Trang chỉ đáng làm thợ viết, rằng bạn ấy là dân chuyên văn nên khó tính, rằng bạn ấy không nói chuyện với những người khác đẳng cấp, rằng bạn ấy thấy Bảy viên ngọc rồng hay hơn Phải lấy người như anh. Ôi, tôi cười như ma làm. Thì ra dân chuyên văn là phải không viết hoa đầu dòng, phải phỉ nhổ vào công sức viết lách của người khác một cách không thương tiếc, phải vênh vang về “đẳng cấp” của mình và phải nhắm mắt so truyện tranh với truyện chữ như thế! 

Mà thôi, nhân vật này mới là học sinh, tôi có thể hiểu được sự hiếu thắng trẻ con của bạn ấy. Ta hãy chuyển sang một blog khác. Chủ blog này là một cô giáo trẻ, xinh đẹp. Bạn ấy viết blog chê Cocktail cho tình yêu của tôi nhố nhăng. Chuyện cũng sẽ không có gì đáng nói nếu như sau khi nói cuốn sách gần giống như phim Chuyện tình Paris của Hàn Quốc, bạn ấy không đưa thêm một vài nhận định như “giới trẻ hiện nay lại có mốt uống rượu pha thành cocktail trong các vũ trường, vì họ đi vũ trường nhiều (đua đòi là chính) nên mình sợ rằng phải chăng câu chuyện này cổ súy cho thói quen không tốt đó” hay “có lẽ Trang nên dùng một cái tên khác như BWN <> BWM vì mình chưa thấy tác giả nào dùng những cái tên chính xác như thế” và không để mặt cười ha hả rồi viết một câu là ngoại hình tôi “mất mỹ quan”.  

Đọc đoạn “phải chăng câu chuyện này cổ suý cho thói quen không tốt”, tôi nhớ đến mẩu truyện cười khi cảnh sát đòi bắt một anh chàng vì trong người anh ta có công cụ gây án hiếp dâm. Tôi hiểu và thông cảm cho sự lo lắng của một nhà giáo có nghĩa vụ với thế hệ tương lai, nhưng tôi không thể đồng tình với cái kiểu suy diễn cứ như mấy cán bộ tuyên huấn bảo thủ cổ hủ như vậy. Nếu độc giả nào cũng tư duy và suy luận xa hàng chục cây số giống độc giả này, có lẽ tôi không dám viết về xe Vespa vì người ta đọc truyện xong sẽ trèo lên xe đi và gây tai nạn giao thông, càng không dám viết về thịt lợn vì đang có dịch lợn tai xanh, người ta đọc truyện xong sẽ thích ăn và nhiễm bệnh (!).  

Đọc đoạn “nên dùng một cái tên khác”, tôi thầm nghĩ - xin lỗi nếu quá ngoa ngoắt - hình như cô này mới được xoá mù chữ, và Cocktail cho tình yêu là cuốn sách thứ hai cô ta đọc sau sách dạy ghép vần! Vì nếu đã đọc một số sách hoặc ít nhất có học qua chương trình văn phổ thông, người ta phải thấy việc những tên địa danh, tên sản phẩm xuất hiện trong tác phẩm văn học một cách chính xác là chuyện rất bình thường chứ. Tôi lấy ví dụ trong văn học Việt Nam cho các bạn dễ kiểm chứng: Vũ Trọng Phụng cho ông Văn Minh hút thuốc lá Camel trong Số đỏ, Anh Đức để Ngạn ném lựu đạn MK3 trong Hòn đất. Nếu cứ theo chỉ đạo của bạn, Camel sẽ thành Chanel, MK3 thành MP3 chăng? Và nhân tiện, các nhà văn sẽ viết Việt Nam thành Vịt Nam và Vĩnh Phúc thành Vĩnh Phấc? Cũng may cho đám nhà văn, bạn ấy chỉ là giáo viên chứ không làm chức gì cao và to hơn. 

Nhưng chính vì bạn là giáo viên nên tôi mới dành cho bạn nhiều dòng như vậy bạn D. - độc giả không thân mến của tôi kiêm giáo viên trường Đ.M ạ. Tôi không xinh đẹp như bạn, tôi cũng không được ai kính trọng gọi là thầy là cô, tôi chỉ là một người viết văn quèn hay thắc mắc thôi. Hiện giờ, sau khi đọc blog của bạn (nó đặt chế độ cho tất cả mọi người đọc được), tôi đang thắc mắc một điều: Có phải đem ngoại hình của người khác ra cười cợt cũng là một trong những biểu hiện cái mà người ta vẫn gọi là đạo đức tác phong sư phạm hay không?  

Đến đây thì tôi đã đoán được nguyên nhân tại sao bạn độc giả học sinh tôi nhắc đến ở đoạn trên lại có cách cư xử đáng buồn (cười) như vậy. Rất có thể vì em ấy học được cách cư xử như thế khi đọc blog của thầy cô mình! 

Trang 

Tái bút cho tiếng Việt: Trong đoạn trích lời độc giả, tôi thấy một từ gốc Hán viết sai, đó là từ cổ suý. Từ này vốn là tên một khúc nhạc cũ, tiếng Hán là 鼓 吹 , phiên âm latin là “gŭ chui”, dịch sang tiếng Việt là cổ xuý. Cổ 鼓 là đánh trống và xuý 吹  là thổi sáo, đại khái khi bạn làm gì mà được người ta đánh trống thổi sáo bên cạnh thì cũng khí thế hơn, nhỉ. Từ này, vì thế, dùng để chỉ sự ủng hộ, cổ vũ. Đây là một từ cũ, hơi trúc trắc, người ta thường dùng để câu văn nghe cổ kính và trang trọng, nhưng toàn viết sai be bét. Thà cứ giản dị thật thà mà dùng từ cổ vũ cổ động, có hơn không?  

Xem thêm:

Thư mới nhất

Thư tiếp theo

 

 

 © Tran Thu Trang