Truyện đã được đổi tên và đăng trên Thế Giới Phụ Nữ tháng 8/2013.
– Tôi cần anh diễn một vở kịch.
Gã đang ngồi trong phòng VIP của một nhà hàng sang trọng, lắng nghe nàng – một doanh nhân nữ có tên trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam – nói câu này với mình.
Gã từng là diễn viên “suýt nữa thì lên chính” trong một đoàn kịch làng nhàng ở tỉnh. Gần chục năm trước, đoàn kịch giải thể vì thiếu ngân sách hoạt động, gã ra thành phố, bắt đầu với mấy vai phụ trong phim truyền hình. Một thời gian sau, khi vừa có cơ hội nhận một vai thứ thì gã bị tai nạn giao thông. Bố mẹ gã phải bán hết nhà cửa ở quê ra thành phố ở thuê để lấy tiền cho gã phẫu thuật. Gã phục hồi chức năng tạm ổn nhưng không thể đóng phim nữa, đành xoay xở xin được chân giảng viên trong khoa kịch nói của trường cao đẳng sân khấu.
Mùa thi đại học – cao đẳng vừa qua, trường chỉ tuyển được một phần ba chỉ tiêu, gã rơi vào trạng thái thất nghiệp nửa mùa, chỉ sống được nhờ vài hợp đồng dàn dựng tiết mục văn nghệ cho các cơ quan, công ty. Một “khách hàng” cũ giới thiệu gã với nàng, gã tưởng sẽ lại có một tiểu phẩm dự thi hội diễn không chuyên hay chào mừng dịp lễ lạt nào đó, nhưng xem ra không phải.
– Vở kịch này sẽ kéo dài khoảng sáu tháng. – Nàng nhìn thẳng gã, giọng không nhanh không chậm, mặt không vui không buồn.
Sau khoảng thời gian đủ để ăn hết một bữa tiệc nhiều món cầu kỳ, cảm thấy đã nhận đủ thông tin từ cách trình bày gãy gọn với kiểu phân tích ưu nhược điểm rõ ràng như thể đang thực hiện dự án kinh doanh của nàng, gã nói:
– Tôi đồng ý, nhưng cần thêm một điều kiện…
Vậy là gã đã nhận lời xuất hiện trong vở kịch này, đóng vai nam chính và sẽ nhận khoản cát-xê đủ để mua một căn hộ trong dự án nhà tái định cư ở ven đô. Hôm nay, gã diễn hồi đầu tiên.
Gã đang mặc bộ quần áo thuộc dạng “chỉ dành cho vai giám đốc”, cầm túi hoa quả nhập khẩu, đứng trước mặt người đàn ông gầy gò vàng vọt. Ông cũng là một doanh nhân có tên trong danh sách 100 nọ, nhưng không phải ở nửa cuối như con gái. Tài sản hàng trăm tỷ chỉ mua được những chuyến trị bệnh ở nước ngoài và những loại thuốc quý hiếm chứ không mua được thêm thời gian trên đời cho ông. Hôm trước, nàng đã nói với gã, bằng cái giọng đều đều như diễn viên nghiệp dư cố học thuộc thoại, ông chỉ còn sống được vài tháng.
– Anh là bạn con H.?
– Vâng. Cháu nghe H. nhắc bác mãi, hôm nay mới…
– Anh làm gì? – Ông ngắt lời gã.
– Dạ, cháu là giáo viên.
– Làm sao hai đứa quen nhau? – Giọng ông dịu đi một chút.
– Dạ, cháu với H. quen nhau qua anh L. bên sở…
Cứ thế, gã trả lời hàng loạt câu hỏi ông đặt ra, cố trình bày theo hướng “gần với sự thật hết sức có thể”, cung cấp cho ông một lý lịch không hề phù hợp nhưng cũng tạm chấp nhận được. Cuối cùng, ông đồng ý để gã và nàng được “tìm hiểu nghiêm túc”.
Cửa ải khó khăn nhất đã đi qua trót lọt, gã đưa nàng về nhà giới thiệu với gia đình. Vẫn bằng cách trình bày theo hướng “gần với sự thật nhất”, thêm vào đó là sự hợp tác đáng ngạc nhiên của nàng, gã đã khiến bố mẹ gạt chuyện nàng hơn gã bốn tuổi sang một bên để khen tướng nàng phúc hậu, nể nàng làm việc trong ngành cao siêu, xót nàng chăm người ốm vất vả…
Sau vài lần thăm hỏi đôi bên gia đình như vậy, những lời nhắc nhở từ bóng gió đến thẳng thừng về chuyện cưới xin bắt đầu bay lơ lửng trong không khí. Vở kịch mà gã và nàng hợp tác sản xuất lẫn diễn xuất nhanh chóng chuyển sang hồi tiếp theo: chuẩn bị đám cưới.
Vì nàng không muốn quá nhiều người can dự để rồi lại xầm xì bàn tán còn gã lại rảnh rỗi chỉ kém kẻ thất nghiệp một tẹo, gã đảm nhận hầu hết các công đoạn tổ chức. Nàng bảo gã cứ mạnh dạn chi tiền, nhưng gã thấy áy náy. Dù sao, với cả hai người, đây cũng chỉ là một vở kịch.
Vậy là thay vì tìm đến những thợ trang điểm nổi tiếng chuyên “sơn phết” cho các hoa hậu, người mẫu, gã đưa nàng đến cửa hiệu trang điểm của một đồng nghiệp cũ trong đoàn kịch. Khi thấy gã xưng hô bu bu con con ngọt xớt với bà chủ, kể cho bà nghe về tình hình hiện tại của những thành viên khác trong đoàn kịch rồi đề nghị bà trang điểm làm sao để mọi người vẫn nhận ra nàng, gương mặt lành lạnh của nàng dường như có thêm một chút sắc ấm.
Cũng với tinh thần không phô trương tốn kém như thế, gã đưa nàng đến nhà may chuyên may đo áo cưới của một học trò cũ. Vợ chồng đứa học trò đảm bảo với gã và nàng là áo cưới của nàng sẽ giống mẫu mới nhất của Reem Acra tới 99%. Gã chẳng biết Reem Acra là ai nhưng thấy nàng có vẻ vui nên gã cũng vui theo.
Gã lên mạng, vào một diễn đàn chuyên dành cho cô dâu, nghe ngóng về mấy studio ảnh cưới, chọn ra vài chỗ được đánh giá cao nhất rồi đưa danh sách cho nàng. Gã thấy nàng suýt phì cười khi cầm tập giấy A4 in màu có cả ảnh mẫu, giá cả lẫn lời bình mà gã đã cố gắng soạn theo phong cách đánh giá hồ sơ dự thầu mà nàng quen thuộc.
Gã dựa vào mớ danh thiếp nàng đưa để liên lạc với quản lý các khách sạn, nhà hàng lớn trong thành phố. Lần này, gã không đưa nàng tập giấy A4 in màu mà chọn luôn một khách sạn chỉ cách bệnh viện nơi điều trị cho bố nàng vài trăm mét. Nàng không hỏi gã tại sao lại chọn như thế, chỉ nhìn gã bằng ánh mắt da diết mà ngay cả những sinh viên gã ưng ý nhất cũng phải luyện tập rất lâu mới có.
Vừa chụp xong ảnh cưới, một dự án lớn của công ty xảy ra sự cố, nàng quay cuồng lo xử lý, không có thời gian chuẩn bị cho những màn cao trào của vở kịch. Gã lại cáng đáng tất cả, từ việc thuê phông màn bàn ghế cho hai nhà đến chuyện trấn an hỏi han gia đình họ hàng đôi bên. Cũng may, gã có sẵn kinh nghiệm tổ chức biểu diễn, lại được bạn bè (những người rất mừng cho gã vì tưởng gã sắp lấy vợ thật) giúp sức nên mọi chuyện đều suôn sẻ.
Rồi ngày cưới cũng đến, sau những thủ tục thưa gửi đưa đón lễ lạy được cắt giảm tối đa cho phù hợp với hoàn cảnh của gia đình gã và sức khỏe của bố nàng, hai nhà tới khách sạn tổ chức tiệc. Phòng tiệc nhan nhản những gương mặt vẫn thường xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Những doanh nhân, quan chức là khách của nhà gái, còn những diễn viên, người dẫn chương trình là khách của nhà trai.
Gã cũng hơi bất ngờ, vì chỉ gửi thiếp cho vài người thân thiết và nhắn tin hàng loạt cho những người khác qua điện thoại gọi là có lệ. Vậy mà mọi người rủ nhau tới đông đủ, một vài diễn viên trẻ quen mặt vì đóng trong mấy bộ phim giờ vàng đang phát sóng còn cứ một điều “thầy”, hai điều “cô” khi nói chuyện với mọi người. Nàng và gã đứng đón khách ở cửa. Nàng có vẻ ung dung, tự nhiên trong khi người quen diễn xuất trước công chúng như gã lại nhấp nhổm, ngượng ngùng.
– Anh sao thế? Hồi hộp à? – Nàng tranh thủ lúc vãn khách, hỏi nhỏ.
– Ừ, hơi lo. Nhiều diễn viên thế này sợ bố nghi ngờ… – Gã trả lời, hồi hộp đến mức gọi bố nàng là “bố”, không hề thêm chữ “em” vào.
Ít lâu sau đám cưới, bệnh tình của bố nàng chuyển xấu đúng dịp nàng đang đi công tác nước ngoài. Gã tạm hoãn việc sửa chữa căn hộ vừa mua (bằng tiền cát-xê đóng kịch) để vào viện trông nom ông. Một bữa, khi gã đang thay quần áo cho ông, ông chợt hỏi:
– Sau này, anh với con H. định thế nào?
Thấy gã hoang mang nhìn mình, ông nhếch môi:
– Anh nghĩ tôi dễ lừa thế à?
Gã im lặng cài nốt cúc áo rồi đỡ ông nằm xuống. Ông nhìn gã, thở dài:
– Bày ra như thế… anh với nó cũng vất vả, nhất là anh.
– Vâng… – Gã nhìn ông, ngập ngừng một lúc rồi nói. – Đây là vai chính đầu tiên trong đời con, à, cháu.
Ông mỉm cười, nhắm mắt. Bẵng đi một lúc lâu, khi gã tưởng ông đã ngủ, ông lại lên tiếng:
– Cứ gọi tôi là bố xưng con đi, tôi nghe cũng quen rồi.
Gã chẳng biết trả lời ông thế nào, chỉ lẳng lặng ngồi bên giường. Trên ngón vô danh của bàn tay trái đã hơi biến dạng vì tai nạn giao thông của gã, một chiếc nhẫn có kiểu dáng khiêm nhường đang ánh lên những tia sáng nhỏ nhưng lấp lánh.
______
Truyện này mình viết hơi vội nên sau khi gửi cho báo, mình đã sửa lại đoạn kết một chút. Các bạn đọc báo thấy khác thì thông cảm nhé.
Truyện hay lắm chị ạ

Ngắn gọn không đi vào chi tiết rườm rà nhưng vẫn đầy đủ về tình tiết.
Kết thúc mở hợp lí với tình cảnh của nhân vật.
P/S: em nghĩ cuói cùng 2 người cũng ở bên nhau thôi ạ
Em đang tưởng tượng phần phía sau. Lần nào đọc xong truyện của chị cũng có cảm giác lâng lang, dễ chịu! ^^ Cảm ơn chị nhiều lắm!
Truyện rất hay. kết thúc mở làm cho người đọc xong vẫn cảm nhận được hai nhân vật vẫn sẽ còn tiếp tục vai diễn và vẫn ở xung quanh người đọc. Cảm ơn chị nhiều
Truyện vẫn theo phong cách “người đọc cần đoán”, em ưng.
Cám ơn chị.
Sao cứ phải là kết cục của chuyện tình mới được coi là kết cục của câu truyện? Tất cả mọi người trong truyện đều được vui vẻ, chẳng phải đã là một happy ending rồi sao? <3
Từ hồi hay đọc những gì chị viết em đâm ra bị dị ứng với cái kiểu kết happily-ever-after mà thích thích kết mở. Câu chuyện không khó để đoán ngay từ dòng đầu (nhất là đối với đứa hay đọc/xem/nghe mấy thứ sến sẩm như em :”>) nhưng em rất thích mấy chi tiết nhỏ mà tinh tế: đi trang điểm, tìm studio ảnh cưới, khách sạn gần bệnh viện, gọi bố nàng là bố, gọi bố xưng con. À quên, em còn thích cả cách chị dùng đại từ nhân xưng “gã” và “nàng” nữa chứ.
Có nhất thiết phải cho top 100 gì đó vào đấy không chị? Hay là chuyện thật đấy ạ.
Em rất thích những mẩu chuyện ngắn của chị. kết thúc nhẹ nhàng, cảm ơn chị là một trong những tác giả viết chuyện tình quá hay ở việt nam