Truyện đã đăng trên Doanh Nhân Sài Gòn cuối tháng 8.2009
Hoa rút nốt mấy cái khăn đang phơi ngoài dây. Khăn vẫn hơi ẩm, nhưng trời đã nhá nhem tối, người đi đường cũng thưa thớt hẳn, phải cất dọn hết vào thôi. Cả dãy phố cắt tóc gội đầu này hàng nào hàng nấy đã đóng cửa nghỉ từ trưa nay hoặc từ tối qua rồi còn gì. Cắm máy sấy hong mớ khăn cho khô thêm rồi gấp từng cái cho lên giá, Hoa thở ra một hơi dài. Gọn ghẽ tinh tươm cả rồi, chuẩn bị đi tắm thôi. À, vẫn còn đống tóc vụn vun ra sát cửa từ sáng, mải khách quên khuấy mất lúc nào không biết. Chổi đây rồi, hất ngay ra cho gọn.
– Này!
Hoa giật nảy mình quay ra. Trước cửa hàng, một gã tóc tai ngờm ngợp, râu ria xồm xoàm bặm trợn, đang nhìn như muốn vặn cổ người đối diện. Đôi giày bê bết bùn đất của gã vừa được trang điểm thêm bằng mớ tóc vụn, nom như xác con chuột chết trụi lông nham nhở. Thấy Hoa nhìn, gã cau mặt, trông lại càng bặm trợn:
– Quét thế à?
– Chết thật, xin lỗi anh.– “Thôi xong, gặp đầu gấu rồi”, Hoa nghĩ bụng, vội vứt chổi vào góc nhà chạy ra tận nơi, cố nở nụ cười tử tế nhất – Tại đường vắng nên em chủ quan. Anh vào đây em lau giày cho ạ.
Đầu Gấu im lặng, nhìn quanh dò xét. Hoa tái mặt dõi theo ánh mắt của gã. Tiền khách trả Hoa vẫn để trong ngăn kéo, hơn năm trăm ngàn. Chiếc điện thoại mới mua thì để ngay trên bàn, ngót triệu bạc. Rồi còn máy sấy, máy ép tóc, toàn hàng xịn, tiền trăm cả.
– Đóng cửa rồi à? – Đầu Gấu hất hàm, đi tới xoay cái ghế, ngồi phịch xuống.
– Vâ… ấy, không ạ – Hoa lập cập – Anh gội đầu ạ?
– Cắt tóc, gội đầu, cạo râu. Mất bao lâu?
– Phải hơn một tiếng ạ.
– Có một mình thôi à?
– Dạ, vâng ạ.
– Làm sao mà cứ vâng dạ ạ iếc thế? Bao tuổi rồi?
– Dạ, em hăm hai ạ.
– Đấy, lại ạ! Gội đi, nhanh không giao thừa bây giờ.
– Vâng, anh gội dầu gì? – Hoa định nói “ạ” nhưng cuối cùng kìm lại được.
– Gì chả được, loại kia đi.
Đầu Gấu chỉ chọn loại dầu thường, rẻ tiền. “Cũng còn may”, Hoa vừa nghĩ thầm vừa một tay chế từng chút nước lã lên chỗ tóc vừa nổi chút bọt của gã, một tay gãi. Có lẽ cái đầu… gấu này không biết đến nước và xà phòng từ hàng triệu năm nay rồi. Tóc dài vô tổ chức, bết từng mảng, quyện bụi đất cứng đơ như vuốt keo. Nửa lọ dầu gội đổ vào gãi mãi mới mềm, không có bọt trắng mà chỉ lên chút gợn màu cháo lòng.
– Em gãi thế này vừa chưa anh?
– Ờ, rồi… Em thuê nhà của ông bà Tâm à?
– Vâng, nhưng ông Tâm mất rồi, còn bà thôi.
– Ông mất rồi à? – Đầu Gấu ngẩng lên, thảng thốt nhìn vào bóng Hoa trong gương.
– Vâng, ông mất được hơn một năm rồi, vừa mới qua giỗ đầu được tháng rưỡi, hai tháng thôi.
– Trước ông Tâm mở hàng cho thuê truyện ở đây. Anh hay ra thuê.
– Thế chắc lâu lắm rồi. Vì khi em đến làm nó đã là hàng gội đầu. Ông bà Tâm thì lên chung cư ở từ trước đấy nữa cơ.
– Em làm được bao lâu rồi?
– Cũng phải gần ba năm. Hồi ấy cháu bà Tâm mở cửa hàng rồi nhượng lại cho em.
– Cháu bà Tâm… là Thuý Giang?
– Vâng, anh cũng biết chị ấy à?
– Trước anh học cùng.
– Chị ấy xinh anh nhỉ.
– Ờ… Giờ Giang thế nào?
– Chị ấy lấy chồng rồi.
– Lấy chồng rồi à?
– Vâng, chồng người Hàn Quốc. Đợt vừa rồi bà Tâm còn sang chơi nữa… Anh lên bàn để em xả.
Đầu Gấu loay hoay mãi mới tìm được cách nằm trên bàn xả cho thân hình quá khổ. Gã cởi giày rồi nằm với đôi chân khoanh gập lại như một thế yoga quái gở. Hoa để mặc gã tự thu xếp, vào trong mở vung nồi nước mùi già, đổ thêm nước lã. Hương mùi già ấm sực làm Đầu Gấu nghển hẳn đầu lên nhìn. Câu chuyện về người quen chung làm Hoa bớt sợ, đã có thể nhìn gã một cách không lấm lét, thậm chí còn có thể nhường cho gã vài gáo nước tắm tất niên.
– Ba mươi năm nào mẹ em cũng đun nước mùi già cho cả lũ bọn em tắm. Em đổ thêm nước để lát nữa anh gội xong thì tráng.
– Cảm ơn em.
Có lẽ một nụ cười vừa xuất hiện trên môi của Đầu Gấu, nhưng Hoa đang đứng phía trên đầu gã nhìn xuống nên thấy nó như là mếu. Từ đuôi mắt đen kịt bụi của gã, một giọt nước chớm lăn ra. Hoa từ từ khoả nước rửa sạch cả bụi và hoà tan giọt nước nhỏ xíu ấy, tự dưng không biết nói gì.
– Nhà em ở đâu? Chắc gần đây nhỉ – thấy Hoa im lặng lâu, Đầu Gấu bắt chuyện.
– Em ở tận Yên Bái cơ.
– Thế mà giờ này chưa về?
– Năm nay em không về, ở lại ăn tết thành phố cho vui.
– Sao không về? Tết thành phố có vui gì đâu.
– Ở lại thành phố không vui nhưng về quê còn buồn hơn.
– Sao thế?
– Năm nay suy thoái, làm ăn khó quá anh ạ.
– Khó mấy cũng phải mua được cái vé xe khách chứ!
– Vé thì mua được. Nhưng về mà không có món tiền biếu bố mẹ anh chị, mừng tuổi các cháu, rồi quà cho họ hàng… buồn lắm anh ạ.
– Ờ, cả năm mới có một dịp về mà đi tay không thì cũng ngại. Nhưng ở thành phố mà gặp gỡ bạn bè đi chơi mấy tiếng cũng hết nhiều tiền lắm đấy.
– Em có bạn bè gì đâu mà đi chơi.
– Không có người yêu đồng hương gì à?
– Không ạ, anh bảo em cứ ngập mặt trong cửa hàng cả ngày thế này thì chơi với ai.
– Thế ba ngày tết trùm chăn ngủ thôi hay sao?
– Năm nay mùng hai đẹp ngày, em mở hàng luôn, làm túc tắc trong tết cũng được mỗi ngày vài ba khách… Anh có rửa tai không ạ?
– Có chứ, bẩn kinh lắm.
– Cũng bình thường. Em làm quen rồi. Chắc anh đi đường trường mới về.
– Anh đi làm ăn ở tận trong Nam, vừa về đến Hà Nội lúc chiều
– Thảo nào đang mùa rét mà da anh đen thế. Nhà anh ở gần đây ạ?
– Nhà cũ ở gần đây, giờ chuyển đi chỗ khác rồi… Không cần massage đâu. Tráng nốt cho anh rồi còn cắt tóc cạo râu nữa.
– Vâng, thế để em lấy nước mùi già.
Khi những lọn tóc đẫm nước mùi già của người khách cuối cùng kỳ lạ rơi xuống sàn, trời đã tối hẳn, đường đã vắng tanh, mùi hương trầm và thức ăn của nhà ai bay sang, trộn lẫn với hương mùi già khiến cửa hàng nhỏ có chút không khí gia đình. Bàn tay cầm dao cạo của Hoa đưa những đường từ tốn vào bộ râu tua tủa của gã, tạo ra những con đường màu da người giữa lớp bọt kem trắng xoá. Gã Đầu Gấu bặm trợn dần biến mất. Trước gương còn lại một gã thanh niên, rắn rỏi và không hề xấu trai đang mỉm cười với Hoa.
– Anh gửi tiền… – gã đứng dậy, rút ví.
Gã đưa một tờ tiền mệnh giá khá cao và bảo không lấy lại tiền thừa, như bất cứ một vị khách nam tử tế nào khác trong những dịp lễ tết thế này. Vậy mà không hiểu sao Hoa thấy áy náy. Quần áo xuềnh xoàng bạc phếch, lại đi bộ, có lẽ gã không khá giả gì.
– Anh ơi, chờ chút ạ – Hoa mở ngăn kéo lấy ra một gói kẹo bột dở, rút mấy chiếc dúi vào tay gã – Quà quê em, mừng tuổi anh.
Gã bật cười, cảm ơn xong còn định nói gì nhưng lại thôi. Hoa đứng nhìn theo cái dáng cao lớn gù gù của gã khuất dần về cuối phố, nghĩ thầm “buồn cười thật, còn chả biết tên nhau”, bất chợt thấy văng vẳng đâu đây một khúc nhạc xuân rộn rã.
đọc mới thấy có những người tết cũng như ngày thường…
đọc xong thấy mình cũng cô đơn quá chị ạ!!!
trên đời này còn nhiều chuyện minh không nghĩ tới lắm.Mình cũng đã từng trong hoàn cảnh đó luôn nghĩ nhưng chuyện xấu có thể xảy ra mà không nghĩ lạc quan hơn một chút
ko đầu ko kết , chỉ để biết “người với người sống để yêu nhau ” thôi . truyện này khác Trang quá
Lại 1 người nữa…giọng văn lúc nào cũng buồn buồn. Vui 1 chút cho đời tươi sáng chị ơi.
Đọc truyện này nghĩ đến Thạch Lam, đến HN 36 phố phường, buồn và tinh tế. Như đọc NNTu nhớ Sơn Nam vậy, chân thật và sâu sắc. Thật vui khi những tâm hồn trẻ tiếp nối những tâm hồn của người đi trước.
Chào Trần Thu Trang
Chị đọc truyện này thấy rất tinh tế. Hiện nay chị đang làm việc tại Báo Doanh nhân sài Gòn, muốn sử dụng truyện ngắn này cho số báo Doanh nhân Sài Gòn cuối tháng, trả nhuận bút theo chế độ hiện hành của baó. Trang liên lạc với chị nhé.
Có những câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng lại là những kí ức khó quên. Đọc truyện Trang viết thấy cuộc đời ÔI!……..:)
Không hiểu sao cứ thấy hai nhân vật như hai hạt bụi ấy…
Có cái gì đó như là để hi vọng…
Chào Trang, lâu rồi mới lại ghé thăm đọc truyện của trang miễn phí
Đọc truyện này thấy thích nhất là cái kết, nó làm cho câu chuyện thật hơn cả thật. Cảm ơn bạn nhé.
Em đọc truyện này lần thứ mười mấy em chả nhớ. Đêm khuya đọc truyện này thấy cô đơn quá chị à.
Đọc truyện Trang mh thấy thực sự rưng rưng. Tâm hồn tinh tế của Tr lây sang cả mh rùi hihi. Chúc Tr ngày càng cho ra đời nhg ‘nhóc con đáng yêu’ thế này nha.
buon…
Buồn quá. Mình ko thích đọc chuyện buồn.
30 tết một minh!
Nội dung không có gì đặc biệt tuy nhiên vẫn để lại trong lòng em những dư vang, dư vị. Cần gì đao to búa lớn phải không chị?
Em thích truyện này, buồn nhưng mà ấm áp!
Đọc lại truyện này, nhìn lịch sắp đến tết dương lịch rồi. Một chút ấm áp cho 2 người chưa biết tên
Một nốt la thứ trầm buồn trên khung nhạc cuộc đời…
Truyện này đã được đăng báo. Mình đã đọc rồi nhưng ko nhớ báo nào. Hình như Trang đăng trên văn nghệ quân đội phải không nhỉ.
Mình ghi ngay từ đầu là “truyện đã đăng trên Doanh Nhân Sài Gòn” mà bạn Duy. ^^
Không vậy Trang coi lại đi vì mình chưa coi Doanh nhân Sài Gòn bao giờ. Chỉ coi Văn nghệ quân đội và Thanh niên, Phụ nữ thôi. Khéo họ quịt nhuận bút đấy. Để mình lục đống báo xem đã coi ở đâu.
[…] tiếng Anh của truyện “Khách cuối“, mình dịch cách đây đã lâu. Nay đưa lên để phục vụ công […]