Lời nhắn cho độc giả:
1. Nếu muốn đọc các phần trước của truyện, bạn có thể vào google tìm 1 trong 2 cụm từ sau “truyện chưa có tên” site:tranthutrang.net hoặc “để hôn em lần nữa” site:tranthutrang.net. Bạn cũng có thể nhìn sang phần Tags ở cột bên phải của trang web, có 2 tag tên là Truyện chưa có tên và Để hôn em lần nữa.
2. Xin vui lòng KHÔNG ĐEM TRUYỆN NÀY SANG CÁC TRANG WEB KHÁC, KHÔNG SAO CHÉP NÓ ĐỂ TẠO EBOOK HAY BẢN IN LẬU. Nếu bạn muốn chia sẻ với ai đó, chỉ cần dẫn link web này là đủ (chức năng chia sẻ cho các mạng xã hội nằm ở cuối bài). Nếu mình phát hiện có trang web đăng truyện hay phát tán ebook của truyện, mình sẽ dừng công bố các phần mới, cũng sẽ từ bỏ kế hoạch công bố rộng rãi (các) truyện mới trong tương lai.
3. Mình đã phải rất chật vật mới kéo lại được cảm hứng đã bị tụt do những bình luận vô tâm vô tình vô tư của độc giả. Vì vậy, mình mong các bạn cố gắng nghĩ đến cảm nghĩ của mình khi bình luận. Mình cảm ơn nhiều.
***
Cuối tuần, tuyến phố chính của khu phố cổ biến thành chợ đêm dành cho người đi bộ, xe cộ dồn hết vào các đường ngõ nhánh quanh đó, gây ra những điểm ùn tắc nho nhỏ. Phải vòng vèo mất một lúc, Đăng mới tìm được quán bar trong trí nhớ. Đã hai năm nay, anh không quay lại chỗ này. Hồi còn làm ở văn phòng cũ, mấy đồng sự độc thân thỉnh thoảng lại kéo nhau đến đây xả hơi cuối tuần. Những khi không phải đi công tác ở tỉnh, anh cũng thường tham gia, uống bia, nghe nhạc, xem bóng đá Anh hoặc xem người khác nhảy, thưởng thức cuộc sống về đêm sôi động của một thủ đô phồn hoa trước khi quay về với những dự án phục vụ mục tiêu thiên niên kỷ ở các vùng trung du, miền núi nghèo xơ xác.
Đẩy hai lớp cửa kính bước vào, Đăng chậm rãi đi qua quầy bar chỉ lác đác đôi ba khách để tới ngồi bên một băng gỗ dài và hẹp được bắt thẳng vào bức tường sơn xanh sẫm như chiếc kệ vừa đủ để những người khách không có nhu cầu ngồi bàn riêng có thể đặt đồ uống và tì tay. Góc này ở gần cuối căn phòng, sát chỗ dành cho DJ, chỉ cần xoay người là sẽ thấy khoảng trống được chừa làm sàn nhảy. Chưa đến bảy rưỡi tối, trong quán, tiếng nhạc vẫn nhỏ hơn tiếng nhân viên nói chuyện, mấy bóng đèn halogen lắp trên cao hắt những quầng ánh sáng vàng vọt yếu ớt xuống những bức vẽ mô phỏng phong cách tranh cổ động thời chiến và những chiếc ghế đẩu sơn đen cao lênh khênh. Điều hoà hình như mới bật cách đây ít phút, hơi nóng vẫn len lỏi giữa không gian tối om khen khét mùi thuốc lá tích tụ lưu cữu từ năm này sang tháng nọ. Đăng nhấp một ngụm bia, lơ đãng nhìn về phía cô nhân viên có mái tóc tỉa nhuộm táo bạo như nhân vật trong truyện tranh Nhật đang nhàn hạ cầm điện thoại chơi game. Chiếc điện thoại không phải màu hồng nhưng có dây đeo lấp lánh trên tay cô gái này khiến anh nghĩ đến một cô gái khác, người đã xô đẩy cảm xúc của anh, bắt nó trải qua đủ mọi cung bậc, chỉ trong vài tiếng ngắn ngủi chiều tối nay.
Đầu tiên, anh bất ngờ và nghi hoặc với quyết định không ký hợp đồng chính thức cùng phản ứng theo kiểu “có tật giật mình” của cô. Sau đó, khi thấy tên mình được lưu trong danh bạ điện thoại cô theo cách hơi hơi đặc biệt, lòng anh ẩn ẩn một niềm vui êm, ngọt. Rồi đến ban nãy, nhìn cô nép vào Đức bước đi giữa phố, anh lại có cảm giác vừa thất vọng vừa tức giận. Dường như anh đã sai lầm khi quá lo lắng cho cảm xúc của cô mà không theo đuổi cô nhiệt tình, công khai ngay từ những ngày đầu gặp lại. Dường như anh đã sai lầm khi tin lời cô rằng Đức và cô không có gì ngoài tình bạn. Dường như anh đã sai lầm khi phán đoán rằng cô càng lúc càng quan tâm đến mình, thậm chí đã thực sự thích mình và quên được những thứ đáng quên…
Một nhân viên đến gần Đăng, vươn tay vặn công tắc trên tường. Ánh đèn halogen vốn đã yếu ớt lại trầm xuống thêm chút nữa. Tiếng nhạc thay đổi hẳn, to hơn, dồn dập hơn. Từng tốp khách kéo nhau vào quán mang theo thứ mùi hỗn hợp của nước hoa, thuốc lá và khói bụi trên đường phố. Chiếc bàn dài nơi anh ngồi cũng có thêm vài người khách lẻ khác. Chưa có ai ra nhảy nhưng hệ thống đèn màu đã bắt đầu chớp động ngoằn ngoèo. Không khí trong phòng dần nóng và ngột ngạt hơn. Đăng rút điện thoại nhìn giờ, tự nhiên nhếch mép cười chính mình. Mới ngồi đây hai tiếng và uống một chai bia mà anh đã thấy đau đầu, buồn ngủ. Có lẽ anh không còn chịu được những chỗ như thế này. Đăng nghĩ trong lúc rảo bước về phía cửa.
Ở đoạn sảnh ngắn nối lớp cửa thứ nhất và lớp cửa thứ hai, một vị khách nữ đang đứng nghe điện thoại. Theo đúng phép lịch sự, Đăng khẽ thốt ra câu “xin lỗi” rồi mới cúi đầu lách qua. Vừa chạm tay vào lớp kính lạnh lạnh, anh chợt thấy người đó lên tiếng, giọng nhỏ và khô đanh, vô cùng quen thuộc:
– Hold on!
Đăng quay lại, hơi nheo mắt để xác định rõ người đối diện và sau đó là để giấu sự sửng sốt. Giữa không gian eo hẹp, tranh tối tranh sáng, Điệp đứng đó, mặc chiếc váy liền áo ngắn đến mức khó thể ngắn hơn, gương mặt phủ kín mỹ phẩm nghênh nghênh như một câu đố, ánh đèn xanh tím từ biển hiệu trên cao đổ xuống xuyên qua mái tóc phá cách (vẫn thường được miêu tả “chải mãi mới đủ rối”) tạo nên những bóng khuất trên trán, hốc mắt và rìa má, thoạt nhìn có vẻ xa lạ, hư ảo. Chị úp điện thoại vào ngực, kéo anh đứng nép vào một bên tường để không cản trở lối đi rồi mới hỏi, câu hỏi nghe thân thiết như thể hai người nãy giờ vẫn đi cùng nhau:
– Sao Đăng về sớm thế?
Đăng trả lời Điệp bằng một nụ cười bàng bạc. Anh khoát tay ra hiệu rằng mình sẽ đợi ở phía ngoài rồi mở cửa, bước nhanh xuống vỉa hè. Âm thanh huyên náo không theo nhịp điệu nào cùng hơi nóng ẩm ướt vừa phải của đường phố xua bớt cơn nhức đầu và buồn ngủ nhưng Đăng vẫn không cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Đôi lúc, anh thực sự khâm phục cái cách cư xử thản nhiên như chưa hề có cuộc chia ly của Điệp.
Hai năm trước, anh gặp lại Điệp khi chị đến HDA xin tài trợ cho một cuộc thi viết. Lúc đó, anh vừa kết thúc một dự án ở tận Cà Mau, trở về Hà Nội với nước da đen cháy và tâm trạng không mấy lạc quan. Dự án kéo dài thêm gần ba tháng so với kế hoạch ban đầu nhưng kết quả thu được lại không như kỳ vọng, sức khoẻ của anh sau một thời gian xa nhà, sinh hoạt ăn uống tạm bợ, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu bất ổn, văn phòng thì xáo trộn về nhân sự do trưởng đại diện bị bệnh đột ngột, phải về nước trước thời hạn, Đăng bắt đầu có ý định nhảy việc. Và Điệp xuất hiện thật đúng lúc.
Bằng lối cư xử thản nhiên, chủ động, có khi còn sấn sổ lấn át một cách dịu dàng, khôn khéo, Điệp đã khiến Đăng có cảm giác bốn năm chia tay, ba năm không gặp mà chỉ như vài tuần, thậm chí vài ngày tạm xa cách. Chị thường mượn lý do công việc để hẹn anh, sau đó nhân lễ trao giải cuộc thi viết, giới thiệu anh với ban biên tập của Quan Sát. Mặc dù Đăng quyết định về Quan Sát phần lớn vì ông phó tổng biên tập thường trực bất ngờ đề nghị và vì thực sự hứng thú với công việc này sau hai năm vắt kiệt mình ở HDA, anh cũng không thể phủ nhận vai trò “môi giới” của Điệp.
Chính sự cảm kích không quá sâu sắc này đã ngăn cản anh từ chối thẳng thừng những lời thăm hỏi dường như rất vô tư, những cử chỉ săn sóc dường như rất tế nhị của chị. Trong các cuộc họp, anh cũng không lên tiếng phản đối công khai dù có thể thực sự không tán thành những ý kiến chị đưa ra. Mãi đến khi tình cờ nghe thấy mấy biên tập viên kỳ cựu nói chuyện, đoán già đoán non về mối quan hệ trên mức bình thường của anh và Điệp, Đăng mới giật mình vỡ lẽ. Anh bắt đầu tỏ thái độ kiên quyết hơn, nói không với chị nhiều hơn, chú ý giữ khoảng cách hơn. Dần dần, anh thoát khỏi vòng vây mập mờ mà chị cố tình tạo dựng quanh hai người, những lời đồn của mọi người ở toà soạn theo đó lắng xuống, Điệp cũng tạm thời không làm gì khiến anh khó xử, cho đến tối nay.
Hương thơm của loại nước hoa danh tiếng Điệp vẫn dùng quyện với thứ mùi khét ngấy đặc trưng của quán bar ập về phía Đăng. Anh quay lại, chẳng biết làm gì hơn là nhìn và chờ đợi. Điệp mấp máy môi:
– Đưa em về, được không?
(Đón xem phần 45)
_________________
To đưa or not to đưa, that is the question! (Xin lỗi Mr. Shakespeare.)
Chẳng hiểu sao đọc xong chương này thấy buồn quá chị Trang ạ, chắc là tại vì tự nhiên thấy thương Đăng
Nhân vật Điệp này mặc dù mới gặp có 2 lần mà đã có cảm giác không đơn giản tí nào rồi. Đoạn trên Đăng hồi tưởng thì Điệp là “chị”, mà xuống dưới đã thấy Điệp bảo “em”, nghe nó hơi đột ngột, lại thấy chị Điệp này cứ sống sống sượng sượng kiểu gì ấy. Hay tại em đang thương Đăng và Quỳnh nhỉ?
Em thích đoạn Đăng diễn tả cảm giác với Quỳnh.
Quá khứ của Đăng chắc động trời lắm đây. ;))
Em đọc mỗi chương truyện luôn kéo con trỏ chuột xuống từng tí từng tí 1 vì sợ truyện hết. Mỗi lần nhìn thấy có 1 phần mới sau hơn 10 ngày chờ đợi là 1 niềm vui, và càng vui hơn khi đã đọc hết phần đó :D. Tuy biết là phải 13,14 ngày nữa mới có thêm 1 phần nữa nhưng em vẫn rất phấn khởi sau khi đọc xong vì truyện của chị luôn đem đến cho em 1 sự lạc quan, vui vẻ gì đấy mà em cũng chẳng biết diễn tả thế nào nữa :D.
” Em thích truyện của chị Trần Thu Trang, giọng văn của chị ấy kiểu cá tính ý. Chị ấy còn dịch được cả tiếng Anh, tiếng Trung rồi làm thơ, chụp ảnh, vẽ bìa cho truyện chị ấy sáng tác nữa cơ.” – Ở 1 đất nước xa Hà Nội 2100km, có 1 độc giả luôn luôn giới thiệu về chị như thế đấy :”>
Cám ơn chị vì đã đem lại cho độc giả những truyện ngắn/vừa/dài thật hay.
Cảm ơn bạn Vịt. Từ trước đến giờ mình viết truyện gì cũng cố hướng đến cảm giác tích cực cho người đọc (thế nên truyện của mình mới toàn kết thúc có hậu ^^). Đợt này mình – trộm vía n lần – cũng có hứng hơn, hy vọng sẽ nâng cao năng suất để có thể tăng sản lượng lên 3 phần/tháng. Không biết có làm được không đây…
Cuối ngày được đọc truyện của chị thật là thoải mái. Giống như được 1 món quà vậy. Hi hi.
Đọc phần trước với phần này thấy tội nghiệp anh Đăng ghê. Ôi, sau Thanh, sau Lập và bây giờ là Đăng. :X Các anh giai này thật thú vị.
“Đêm nay ai đưa em về?” Đưa về, không khéo lại gặp hiểu lầm/ lại sụp bẫy nữa chị ơi. Tốt nhất khỏi đưa.
Thank chi nhiu nhiu. Buoi sang, vua mo mat, tom lay dt, vao may blog doc truyen trong bookmark, luc dinh thoat ra lai nhin thay Tran Thu Trang, ghe vao, mat sang len khi nhin thay Truyen chua co ten (chuong 44). Keke. Nhung ma doc xong em cu thay buon buon the nao y, co le la thuong anh Dang, va vi khong dc gap chi Quynh. Hihi. Thank chi T, co len chi nhe.
Em ghét Điệp, chị đừng cho Đăng đưa chị ấy về
Theo em là ĐƯA ạ! Vì như thế sẽ có cơ hội để hé lộ về chuyện tình Đăng-Điệp trước đây rồi những uẩn khúc trong mối quan hệ với Quỳnh và ví dụ việc đưa Điệp về khiến Quỳnh ghen (vì Quỳnh đi đâu đó buổi tối vô tình nhìn thấy, thấy Điệp cố tình ôm eo bám chặt lấy Đăng/ thấy Điệp lao vào hôn Đăng và Quỳnh bỏ đi trước khi thấy Đăng cương quyết giẳng ra, và Đăng sẽ chạy theo Quỳnh giải thích :D) thì khi đó sự dùng dằng giữa Đăng và Quỳnh em nghĩ sẽ có đà để giải quyết. Vì Đăng thấy là ôi chết rồi mình phải dứt khoát bộc lộ tình cảm với Quỳnh, chứ không thể để tình trạng lửng lơ thế này rồi nhiều vấn đề nảy sinh. Hoặc Đăng đang đưa Điệp về và nhìn thấy Quỳnh, và nhìn thấy dáng vẻ ngơ-ngác-như-trẻ-lạc-rất-nguy-hiểm của Quỳnh thì Đăng quyết định là ko thể tiếp tục nghe Điệp lải nhải về tình xưa nghĩa cũ mà thả Điệp giữa đường và phóng xe đuổi theo Quỳnh!
Hehe hi vọng ý kiến của em giúp ích cho chị Trang 
Hừ, không biết đứa nào làm admin cái trang này mà chả biết đường đưa cái trò like comment vào gì cả! Nếu có trò đấy, mình hứa sẽ like comment của bạn Thuỷ Trần. Mấy phương án bạn đưa ra đều phù hợp với truyện sến cả, nhưng mình đang sợ là nếu viết thế thì bị độc giả sẽ chê sáo mòn hoặc khiên cưỡng. Aygo, khó nghĩ ra trò!
Em cũng ko thích Đăng đưa đâu ạ, nhưng em nghĩ cũng nên để cho Đăng đưa để đẩy cảm xúc lên cao trào. Em cũng like comment của bạn Thủy Trần. Nhưng đúng là nếu theo các phương án của bạn ấy thì có vẻ giống các tình tiết trong phim Hàn quá. Đành phải chờ đợi trí thông minh của chị Trang xử lý thôi. Vất vả cho chị quá, cố gắng chị nhé, rất nhiều độc giả đang há miệng chờ phần tiếp theo đấy ạ. ^^
Đừng, Trang mà viết thế thì thường quá.
Hơn nữa em nghĩ đến lúc các nhân vật chính của chúng ta biểu lộ một-cái-gì-mạnh-mẽ rồi.
Hehe chị trả lời comment của em làm em sung sướng quá
Vâng em cũng biết những phương án đấy không mới, một phần cũng vì truyện sến thường là theo 1 lối mòn (là lối mòn sến, người yêu nhau sẽ vồ vào với nhau, biết thế mà độc giả vẫn nhao vào đọc, chắc vì quá thiếu yếu tố sến trong đời thực
Tuy nhiên đúng là có phương án khác thì hay hơn nhiều. Em sẽ suy nghĩ thêm, có các bạn khác nữa, chắc sẽ ra được hướng đi mới 
Ôi ôi, sói đấy Đăng ơi, đừng đưa… hic hic
Em muốn biết cụ tỉ vụ bà Điệp bóc tem anh Đăng nên chị cứ cho đưa về cũng được chị ạ.
Đến lúc có bước đột phá rồi hay sao ấy Trang nhỉ? Cứ đọc mãi, đọc mãi, thấy câu văn và lối dẫn truyện hay quá, nhưng tình tiết thì chậm quá nên cứ thấy thiếu thiếu gì đó. Trang giỏi nhất là sử dụng thoại để mô tả cảm xúc nhân vật mà.
Sao không để cho các nhân vật gặp nhau để bộc lộ hết vấn đề đi. Sốt ruột quá Trang ơi.!
Nếu chiều nay không có mưa ai sẽ đưa em về. Đưa em về đi rồi thấy cảnh… nàng trẻ, nàng khêu gợi và nàng cũng thủ đoạn…
Đợi chờ là hạnh phúc.
Mình thì nghĩ khác, Đăng sẽ đưa Điệp về, và Điệp sẽ nói điều gì đó về quá khứ chẳng hạn…Thôi cứ đợi phần sau sẽ rõ…
Em cũng nghĩ Đăng sẽ đưa Điệp về.
Smee nghĩ rằng Đăng chưa kịp đưa Điệp về thì đã ngã lăn quay rồi. Ngược lại, Điệp sẽ đưa chàng về nhưng không biết “nàng bướm” sẽ giở thủ đoạn gì đây. Đợi câu trả lời của Trang nửa tháng rồi. Trang luôn đưa độc giả đến những bất ngờ thú vị với cách giải quyết tình huống thông minh, sắc sảo.
Mình tiết lộ với các bạn tin này, các bạn đừng nói cho ai nhé. Đến phần sau, mọi việc cũng chưa sáng tỏ thêm mấy đâu. Phải đến cuối truyện thì mình mới thắp đèn cơ.
(Giờ còn đang đi mua dầu đổ vào đèn, các bạn cứ từ từ!)
Em mong chờ cuốn tiểu thuyết chưa có tên của chị.
Thỉnh thoảng vào đọc bình luận thấy hay ơi là hay.
Chờ đèn chị Trang thắp. He he.
[…] Để hôn em lần nữa – 44 […]
[…] Để hôn em lần nữa – 44 […]