Bài đăng trên Thế Giới Văn Hoá số ra ngày 10/03/2010
Nguyễn Lệ Chi thực hiện
Bắt đầu viết vì… ghen tỵ, sau đó trở nên nổi tiếng, giờ đây, Trần Thu Trang dành thời gian cho đam mê mới: chụp ảnh.
Tôi chờ Trang trước một hẻm nhỏ trên đường Khâm Thiên (Hà Nội) vào một buổi chiều, sau vài cú điện thoại hẹn hò đường dài. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Trang, dù hai chị em đã chat và gọi điện, phỏng vấn nhau vài lần.
Trang dáng đậm, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, tràn đầy sức sống và nghị lực, không có chút ủy mị hoặc yếu đuối như người ta dễ nhầm lẫn khi đọc những tên sách sướt mướt Trang từng viết. Đứng bên cạnh Trang, thậm chí tôi còn có cảm giác được một bà chị chăm sóc, vì em cẩn thận mang thêm chiếc mũ bảo hiểm cho tôi cùng một lô “option” địa điểm quán cà-phê để tôi tha hồ lựa chọn.
Sau khi đã yên vị trong một quán cà-phê rộng rãi gần Bộ Ngoại giao, Trang lôi ngay máy ảnh ra tác nghiệp. Em muốn tặng tôi một bộ ảnh chân dung như tôi hằng ao ước. Còn gì tuyệt hơn khi một người yêu thích ghi lại những khoảnh khắc và một người đam mê chụp ảnh có cơ hội gặp nhau trong một không gian tuyệt đẹp, đầy cây xanh và nắng vàng. Trang mê mải chụp tôi, từ những động tác bột phát rất đỗi tự nhiên của tôi như đang nghe điện thoại, ăn kem, gõ máy tính… Theo Trang, những khoảnh khắc đời sống tự nhiên đó đã tự tiềm ẩn cái đẹp riêng, không một sự sắp đặt nào có thể đạt được. Đó cũng chính là nguyên do khiến Trang đam mê với máy ảnh không thua kém việc sáng tác văn. Câu chuyện giữa hai chị em cứ thế rôm rả bắt đầu…
Bên cạnh những cuốn sách khá lãng mạn và ướt át rất ăn khách, Trần Thu Trang đã bộc bạch tâm sự với một hình ảnh hoàn toàn mới: nhiếp ảnh gia trẻ có triển vọng.
Sáng tác vì… ghen tỵ
TGVH: Trang bắt đầu sáng tác văn từ khi nào và động cơ nào khiến bạn cầm bút? Vì chán đời, bị người yêu bỏ, hay chả có việc gì làm?
Trần Thu Trang (T.T.T): Nếu những bài thơ ngộ nghĩnh và tản văn tuổi học trò cũng được tính thì tôi bắt đầu viết văn từ những năm học phổ thông trung học, khoảng lớp 11. Động cơ chính là sự ghen tị, vì một bạn trong lớp có… câu hỏi đăng trên mục hỏi đáp của một tờ báo học trò. Sau này, khi bắt tay vào những tác phẩm dài hơi hơn, động cơ của tôi cũng là sự ghen tị. Tôi ghen tị với một vài người bạn cùng chơi trên diễn đàn, tôi thấy họ viết chả hay lắm, nhưng lại xuất bản sách rất oách. Thế là tôi cũng viết để có thể xuất bản sách.
TGVH: Khi sáng tác văn, bạn thấy khó khăn nhất và dễ dàng nhất ở điểm gì? Trong quá trình sáng tác, bạn thường chịu sự tác động của ai?
T.T.T: Với mỗi giai đoạn, mỗi tác phẩm, tôi lại cảm thấy một sự khó khăn riêng. Hiện giờ, tôi gặp khó khăn trong việc duy trì mạch cảm hứng. Tôi thường bắt đầu viết cái gì đó một cách tương đối có khí thế, nhưng rồi vài thứ vớ vẩn bên ngoài xông tới kéo tụt cái khí thế đấy xuống, thế là tôi chả viết được nữa. (Vài thứ vớ vẩn có thể là một cơn cảm cúm hay mấy lời bình luận thiếu thiện chí của độc giả, hoặc đơn giản hơn là tiếng gọi cửa của người đến thu tiền điện). Còn điểm dễ dàng nhất… hình như không có gì dễ dàng. Nhờ internet, tôi thấy việc thu thập tài liệu khá đơn giản và nhanh gọn. Nhưng chính sự đơn giản và nhanh gọn ấy lại khiến việc sàng lọc sắp xếp thông tin sau đó trở nên mệt mỏi hơn.
Trong quá trình sáng tác, tôi thường chịu tác động của các độc giả thân thiết, nói đúng hơn là của bạn bè. Họ luôn là những người đầu tiên đọc và nhận xét tác phẩm của tôi. Họ cung cấp cho tôi những vốn sống mà bản thân tôi còn thiếu. Có lần, tôi viết đến vài cái kết của truyện cho họ lựa chọn.
TGVH: Nhiều người cho rằng dòng văn Trần Thu Trang viết thuộc dạng rất sến, điều này có ảnh hưởng từ tính cách và lối sống? Ở ngoài đời, bạn có phải là người ủy mị và quá lãng mạn không?
T.T.T: Ngoài đời, tôi là người thực tế, hài hước và thường bị bạn bè chê là thiếu nữ tính. Tôi cũng không nghĩ những gì mình viết là “rất sến”. Ai không tin thì cứ thử tìm thơ hay cuốn 99 tuần buôn chuyện của tôi mà đọc.
TGVH: Bạn thường căn cứ vào đâu để xây dựng nên các hình mẫu nhân vật của mình? Vào một phần chính con người của mình, vào bạn bè, vào những người xung quanh?
Trần Thu Trang (T.T.T): Với các nhân vật nữ, tôi căn cứ vào cuộc sống quanh mình. Độc giả thường nói là nhân vật này nhân vật kia của tôi có nét giống ai đó. Có thể là giống một người họ biết, giống chính họ, cũng có thể là giống bản thân tôi. Điều này chứng tỏ nhân vật nữ của tôi rất gần với thực tế. Còn với các nhân vật nam, có lẽ khi xây dựng các nhân vật nam, tôi căn cứ vào mơ ước viển vông của phái nữ. Những anh chàng trong truyện của tôi thường đáng yêu hơn những anh chàng mà tôi và nhiều người khác vẫn gặp ngoài đời.
TGVH: Trang thích các nhân vật của mình có những đặc trưng và phẩm chất gì? Bạn mong muốn số phận của họ đều kết thúc có hậu hay bi kịch ướt át?
T.T.T: Thường thì các ông bố bà mẹ hay đặt lên vai đứa con gánh nặng thực hiện ước mơ không thành của họ. Nhân vật, xét trên một khía cạnh nào đó, cũng giống như con của tôi. Tôi thích “chúng nó” thông minh và được nhiều người yêu quý. Tôi cũng mong số phận các nhân vật của mình sẽ kết thúc một cách lạc quan, có thể buồn nhưng không tuyệt vọng.
TGVH: Bạn thường viết văn vào lúc nào? Lúc rảnh, lúc trời mưa? Lúc ở nhà 1 mình, lúc đói hay lúc no? Lúc bực tức hay lúc sảng khoái nhất?
T.T.T: Tôi thường viết văn khi không mệt, không ốm, không đói và không buồn ngủ, nói chung là khi ở trạng thái thể chất tương đối dễ chịu một chút. Còn nóng hay lạnh, mưa hay nắng, vui hay buồn… thì không ảnh hưởng lắm đến việc tôi có viết hay không, mà ảnh hưởng đến cảm xúc trong trang viết nhiều hơn. Những gì tôi viết khi trời mưa và bản thân đang trong cơn trầm cảm có lẽ sẽ dễ khiến người ta khóc hơn.
TGVH: Bạn có thường sửa lại những truyện mình đã viết không, tại sao viết lại và tại sao không viết lại? Khi sáng tác, bạn quan tâm nhất tới điều gì?
T.T.T:Mỗi lần đọc lại tác phẩm mình đã viết, tôi thường tìm ra một vài chỗ không ổn nào đó mà lẽ ra mình có thể làm tốt hơn. Nếu chỗ không ổn đó chỉ đơn giản là lỗi dùng từ hay lỗi kiến thức, tôi sẽ sửa lại. Còn nếu nó liên quan đến kết cấu tác phẩm thì tôi đành để yên, vì sửa điểm này lại kéo theo điểm khác, dễ dẫn đến một công việc kinh khủng là viết lại hoàn toàn. Mà đã đến mức như vậy thì thà tôi viết tác phẩm mới còn hơn!
Có lẽ điều tôi quan tâm nhất khi bắt tay vào một tác phẩm dài hơi là duy trì mạch sáng tác. Kinh nghiệm cho tôi thấy, một khi cái mạch đó bị đứt hoặc chùng xuống, tác phẩm sẽ rời rạc, thậm chí hỏng bét. Còn với tác phẩm ngắn, điều tôi quan tâm là từ ngữ. Ý này dùng từ này để diễn tả có thích hợp không, đặt câu như thế kia đọc lên đã thuận tai chưa… Cứ từng chút như vậy, rồi xong một đoạn, một bài lúc nào không biết.
TGVH: Trang bắt đầu xây dựng website cá nhân từ lúc nào và với mục đích gì? Có phải thuần túy để PR sách cho mình?
T.T.T: Tôi bắt đầu xây dựng website cá nhân từ tháng 2/2006, khi hai cuốn sách đầu tiên là Nhật ký tình yêu TIO và Phải lấy người như anh chuẩn bị ra mắt (hai cuốn được hai đơn vị khác nhau xuất bản nhưng in xong gần như cùng lúc). Thực ra khi đó tôi cũng không biết mục đích của mình cụ thể là gì. Tôi chỉ thấy mình có khả năng xây dựng web, mình đang cần mọi người biết đến (biết đến mình và sách của mình), việc tạo ra một trang web cá nhân rồi đưa đường link cho mọi người có vẻ là công việc vừa sức mà khá hiệu quả. Vậy là tôi tiến hành thôi. Sau đó, khi trang web đã được nhiều người biết đến, tôi nghĩ mình không nên bỏ hoang nó mà phải làm gì đó để người đọc nhớ và quay lại nên đã tiếp tục cập nhật thêm. Dần dần, tôi coi việc cập nhật web là một phần công việc của mình. Cuốn tản văn 99 tuần buôn chuyện chính là sản phẩm của công việc cập nhật web mà tôi đã làm trong suốt 2 năm.
Tôi không nghĩ trang web cá nhân thuần tuý là nơi để PR sách Cũng bởi lý do này nên tôi đã chuyển sang dùng tên miền tranthutrang.net thay cho sachcuatrang.com. Tên miền mới thể hiện được nguyên một cô Trần Thu Trang, chứ không chỉ giới hạn ở cái cô Trần Thu Trang viết sách. Hơn nữa, sách là một sản phẩm đặc biệt, muốn quảng bá cho sách, tốt nhất hãy nói về người viết ra nó.
TGVH: Trang thích đọc sách của ai? Bạn đọc thể loại gì và thường dành bao nhiêu phút để đọc sách hàng ngày?
T.T.T: Tôi có một danh sách rất dài những tác giả văn học yêu thích. Có lẽ kể tên những tác giả tôi không thích còn đỡ mất thời gian hơn (nhưng tôi không nói ra đâu, vì nhiều lý do tế nhị). Tôi thích thể loại sách phi hư cấu như lịch sử, chính trị, du khảo, marketing… Tôi thường không dành thời gian cố định cho sách, có những ngày tôi đọc liền tù tì vài cuốn vừa tiểu thuyết vừa truyện ngắn, có những ngày lại chỉ nhẩn nha đọc vài trang sách self-helf (tạm dịch là sách học làm người). Từ những năm học phổ thông, tôi luôn đặt mục tiêu đọc ít nhất 52 cuốn sách trong một năm, tức là mỗi tuần một cuốn. Giờ con số đó có lẽ đã tăng lên, số đầu sách xuất bản càng ngày càng nhiều mà tôi lại rảnh rỗi hơn khi đi học.
Chụp ảnh để kiếm sống
TGVH: Ngoài sách, dường như bạn còn có thú vui chụp ảnh? Sở thích nào mạnh hơn và bạn có sở trường ở lĩnh vực nào hơn?
T.T.T: Tôi thích ghi lại những gì đẹp đẽ. Viết hay chụp ảnh đều giúp tôi thoả mãn sở thích đó. Thật khó để nói cái nào mạnh hay tôi có sở trường cái nào hơn. Về mặt thể chất, viết lách rõ ràng nhàn hơn nhiếp ảnh. Khi viết, tôi không phải vác đến mấy cân thiết bị rồi đứng lên ngồi xuống phơi nắng dầm mưa như khi chụp ảnh. Về mặt tinh thần thì ngược hẳn lại. Việc chụp một bức ảnh trông đèm đẹp thường nhanh và đỡ mệt óc hơn so với việc sắp xếp mấy chục chữ cái thành những thứ đọc lên nghe trôi chảy hấp dẫn. Tuỳ từng hoàn cảnh mà tôi chọn một trong hai, cũng có khi tôi kết hợp cả hai để đạt hiệu quả tốt nhất.
TGVH: Chụp ảnh với bạn giờ không còn chỉ là thú vui đơn thuần, mà đã trở thành một nghề kiếm sống. Trang thấy nghề này có vất vả không và có dễ kiếm tiền không?
T.T.T: Như tôi nói ở trên, chụp ảnh là một công việc vất vả về thể chất. Sau một ngày đi chụp, tôi thường phải dán cao (Salonpas) chi chít khắp người. Thu nhập từ ảnh thì cũng không tệ, nhất là khi so với mức nhuận bút 10% giá bìa x 1000 bản in của sách.
TGVH: Trang mong muốn mọi người biết đến mình qua danh hiệu “nhà văn” hay “nhiếp ảnh gia”?
T.T.T: Tôi mong muốn mọi người biết đến mình qua danh hiệu triệu phú USD hay tỷ phú VND hơn.
TGVH: Bạn có thể kể thêm 1 số thú vui khác?
T.T.T: Tôi thích ăn ngon, buôn chuyện với bạn bè và nuôi mèo.
TGVH: Xin cảm ơn bạn
Người đặt câu hỏi phỏng vấn và Trang trả lời rất hay và đậm cá tính, rất Trần Thu Trang. Mình muốn hỏi bạn, ai là người chụp tấm ảnh trong bài báo mà đẹp thế?
Em không thích người viết bài này bảo truyện của chị ướt át chút nào cả! Còn cách chị trả lời vẫn luôn rất thông minh chị ạ. Em đếm từng ngày chờ “truyện chưa có tên” 21 của chị^^
Thích nhất là lúc nào em cũng là mình, không hoa hòe hoa sói.
Đúng là Trang vẫn là Trang, vẫn thấy trong đó người phụ nữ mạnh dạn nhưng nhạy cảm, mềm yếu nhưng lại có phần kiêu kiêu.