Bài đầy đủ trên báo Thể Thao Văn Hoá
Việt Quỳnh thực hiện
1. Anh chị có đánh giá mình là nhà văn của giới bình dân không?
Ngay từ khi bắt đầu viết tác phẩm hư cấu đầu tiên, tôi đã xác định đối tượng độc giả của mình là những người phải chịu đựng sự mệt mỏi do những tác phẩm quá “hàn lâm” mang lại, tức là những người đã ngán các món ăn giàu đạm và đang thèm một bữa canh cải. Khi tác phẩm đã được xuất bản, bên cạnh những độc giả đích, tôi có thêm một số lượng lớn độc giả là những người lâu nay lâu nay chỉ thích rau cải (cười). Hai nhóm độc giả này tuy đều có biểu hiện rất bình dân nhưng lại khác nhau về bản chất. Nếu tôi mà nhận mình là nhà văn của giới bình dân theo nghĩa như cơm bụi, chắc một trong hai nhóm “khách hàng” của tôi sẽ phật lòng. Khó lắm!
2. Anh chị nghĩ sao khi độc giả hoặc các nhà phê bình gọi anh chị là nhà văn của giới bình dân.
Họ gọi thế là đề cao tôi lắm rồi! Ngay bản thân tôi cũng ít dám tự xưng là nhà văn (dù của giới nào) mà chỉ rón rén nhận mình là người viết. Trong một xã hội trọng văn chương chữ nghĩa, danh xưng “nhà văn” là cái gông nặng nề đối với cả người gọi lẫn người được/bị gọi. Bạn có để ý là người ta thường phải thêm những chữ như “trẻ”, “nữ”, “mạng”… vào sau danh xưng kia không? Tôi đoán là họ muốn làm cái gông kia nhẹ đi một tí cho cả “nạn nhân” lẫn “thủ phạm”. Cụm từ “của giới bình dân” xét cho cùng cũng chỉ là một thứ đi kèm theo gông thôi!
3. Liệu có cần thiết cho việc phân chia, đánh giá như vậy?
Có chứ. Đến quần áo giày dép còn cần nữa là văn chương! Tôi quan niệm văn học cũng là một sản phẩm. Tuy sản phẩm này có những đặc thù khác biệt về cách thức sản xuất tiêu thụ nhưng nó cũng cần được phân loại, xếp hạng. Trước hết là để cho độc giả- khách hàng- lựa chọn. Sau đó là để những người viết tương lai- những nhà sản xuất tiềm năng- xác định hướng đi của mình dễ dàng hơn. Trên trang web bán sách nổi tiếng Amazon.com, những tác phẩm văn học bình dân được xếp đến tận những thể loại nhỏ nhất như “truyện tình cảm ma cà rồng”. Những tác phẩm này cũng nhận được những bài bình luận, những lượt xếp hạng từ 1 đến 5 sao. Tất nhiên, độc giả nước ngoài thường không đưa ra những đánh giá theo kiểu bát canh cải này chỉ xứng 0,0001 sao so với món tôm hùm đằng kia (cười).
Cháu Trang ơi, bác rất khoái câu trả lời không thể hay hơn nữa của cháu, hay lắm, thật lắm, không màu mè không PR… Không ”hoắng” lên như một số người đang học Ở Viết văn Nguyễn Du. Vài bài thơ ”tắc tỵ” đánh đố người đọc cũng đem ra Văn Miếu múa may Gọi là ”Trình diễn Thơ”!