Năm nay, sau cả chục cái Tết toàn cắm hoa ly hoặc lay-ơn, sau mấy ngày giáp Tết cắm hoa hồng, con gái thấy nhàm nhàm với “hoa kiểu Tây” nên tặc lưỡi nói mẹ mua cành đào gọi là thay đổi không khí. Sáng 30, mẹ ra chợ xách về một cành đào nhỏ xinh, chi chít nụ. Lúc này tự dưng phát sinh vấn đề nan giải: Cắm đào vào cái gì bây giờ? Nhà lâu nay vì chơi kiểu Tây nên toàn bình bát thủy tinh pha lê, chiếc nào chiếc nấy miệng loe hoặc bụng chửa, khắc khía các kiểu hoa văn điệu đà. Trong tùy bút “Sương xuân và hoa đào”, Vũ Thư Hiên đã nhắc lời bố bác ấy, cụ Vũ Đình Huỳnh- một người am hiểu các cách thức bày biện, trang trí tao nhã- từng nói về chuyện cắm đào rằng “Cái bình phải khiêm tốn để tôn vẻ đẹp của cành đào, của mùa xuân”. Mấy cái bình không khiêm tốn kia… nhìn qua đã biết nếu cắm cành đào vào nom sẽ rất chối, khéo thành thảm họa thẩm mỹ chứ chẳng đùa.
Gần trưa 30, các chợ quanh phố đã vãn hẳn, người bán rong cũng nghỉ cả rồi, muốn mua một cái bình gốm sứ thô mộc một chút chắc phải lên tận mấy chợ hoa lớn trên mạn Bưởi hoặc Nghi Tàm, nhanh cũng mất cả buổi, mà nhà thì đang bao nhiêu là việc. Con gái loanh quanh một lúc rồi cũng tìm ra cách khắc phục. Chọn một chiếc bình pha lê có dáng chân phương nhất, tức là ít các khúc phình ra thót vào, lấy chiếc túi giấy xi măng bọc bên ngoài che đi những nét khắc điệu đà của thành bình, buộc thêm sợi dây đay để bao giấy khỏi tuột, thế là cũng được một chiếc bình cắm đào không đến nỗi nào.
Mấy ngày Tết, cành đào đặt chỗ ngăn giữa phòng khách và phòng ăn, nhánh thưa tán thoáng, nụ-hoa-lộc nom đều đặn hài hòa, bạn bè khách khứa tới chơi, đứng lên ngồi xuống đi qua đi lại đều thấy nó ngang tầm mắt, không khỏi khen ngợi đôi câu xã giao cho đẹp lòng toại ý người trong nhà. Mẹ thì vui vì chọn được cành đào nhiều nụ nở theo nhiều cữ lại còn rẻ. Con gái thì lấy làm hãnh diện vì đã biến báo làm ra chiếc bình khác lạ mà vừa mắt. Chẳng ai nhớ đến chiếc bình pha lê mọi năm vốn được đặt trên bàn với những bông hoa giống ngoại đẹp đẽ, lúc này nó chỉ có tác dụng không hơn cái ống bơ gỉ, đựng nước và sỏi phục vụ cành đào.
Qua mùng, con gái nhấc cành đào ra cắt rời để chuẩn bị đem vứt, nhân tiện dùng luôn chiếc túi giấy xi măng và sợi dây đay buộc ngoài bình để bó mớ cành vụn lại cho gọn. Không bị gì che lấp, chiếc bình pha lê như cô tiểu thư thoát nạn, trở lại với vẻ kiêu sa thường thấy, bề mặt mang những nét khắc cầu kỳ như muôn vàn tấm gương ngang dọc đan chéo phản chiếu ánh sáng lung linh. Nhìn cành đào giờ chỉ còn là bó củi còi đặt bên chiếc bình pha lê tinh xảo, con gái tự dưng nhớ đến những đôi nam nữ yêu nhau bất chấp cảnh không môn đương hộ đối mà sách vở và phim ảnh vẫn thường miêu tả.
Những Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy, Jane và Edward (Rochester), Anna và William, Kim Tan và Eun Sang, Lady (Tiểu thư) và Tramp (Chàng lang thang)…, đều đã vượt qua nhiều trở ngại để đến được với nhau. Nhưng trong những độc giả, khán giả đang sụt sùi sung sướng trong cảm giác mỹ mãn với câu chuyện kết thúc có hậu kia, có mấy người tự hỏi cái gọi là “happy ending” trong mắt người ngoài được đánh đổi bằng những điều gì? Để đến được với nhau, phần lớn các nhân vật sẽ phải thay đổi rất nhiều so với chính họ thuở ban đầu. Liệu có nhân vật nào phải ở vào tình cảnh giống như chiếc bình pha lê kia, từ bỏ hoặc che lấp những thứ vốn là ưu điểm trời sinh của bản thân, chấp nhận sống cuộc đời hệt như một ai đó khác, chỉ để làm nên một cảnh tượng đối lứa xứng đôi thần tiên quyến lữ cho vừa lòng thiên hạ? Và liệu thứ hạnh phúc xây dựng dựa trên việc đánh mất chính mình ấy có thực sự lâu bền hay sẽ như cành đào bày Tết, chỉ đẹp trong một thời hạn sử dụng rất ngắn ngủi mà thôi?
Con gái vẫn còn bận liên tưởng lan man, mẹ đã nhanh chóng đưa ra kết luận: “Sang năm mà định cắm đào thì phải mua luôn cái chum sành”. À đúng, trên đời vẫn còn những thứ chẳng cần gia công cố sức gì cũng hợp nhau sẵn rồi…