Trần Thu Trang Rotating Header Image

Đời thường

Tashirojima – Hòn đảo nơi mèo làm bá chủ

Cuối năm 2014, mình sang Nhật du lịch. Vì đi tự túc một mình nên lịch trình của mình hơi bị khác người, cụ thể là điểm đến trong bài viết này: Đảo mèo Tashirojima. Hòn đảo này nằm trên Thái Bình Dương, ngoài khơi thị trấn Ishinomaki, tỉnh Miyagi. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề trong trận động đất sóng thần khủng khiếp năm 2011. Thời điểm mình đi, đường sắt ở khu vực này thậm chí còn chưa khôi phục hoàn toàn, du khách muốn từ Sendai, thành phố thủ phủ của tỉnh Miyagi, đến Ishinomaki còn phải đổi tàu giữa chừng. Từ bến phà của Ishinomaki, mỗi ngày có hai chuyến phà khứ hồi ra đảo. Hòn đảo nhỏ, dân cư hầu hết là người già và mèo. Những con mèo ở đây rất dạn người và đôi lúc còn hung hãn, chúng thực sự là bá chủ hòn đảo, đi đứng nằm ngồi ở mọi ngóc ngách và chờ người đến cung phụng. Điều kiện lưu trú trên đảo rất hạn chế nên mình chỉ thăm đảo trong vòng khoảng hơn hai tiếng đồng hồ rồi phải quay về đất liền luôn. Thực sự là tràn đầy cảm giác ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng. Đây là một số bức ảnh mình chụp trên đảo.

Cập nhật: Mình đã tập hợp vài chục bức ảnh thành một slideshow, các bạn muốn xem thêm ảnh thì vào link Youtube này nhé.

Phố Ông Đồ

Ảnh chụp sáng mùng 3 Tết Tân Mão (05.02.2011) tại bên ngoài Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội. Một số ảnh có chú thích, nếu bạn muốn đọc, xin mời xem riêng từng ảnh.

Vụn & nhảm ngày 23 tháng Chạp

Thống kê sau nửa buổi đứng hứng rét bên hồ Xã Đàn, quận Đống Đa, Hà Nội:

  • Cứ 10 người thả cá tiễn ông Táo thì có 3.5 người quẳng cả cá lẫn túi nylon xuống hồ*, 4 người thả cá rồi vứt túi lên vỉa hè, 1 người thả cá rồi đem túi đi thêm một đoạn cho vào thùng rác công cộng, 1 người còn lại thì không để cá trong túi mà để cá trong gáo/hộp/xô – hất cá xuống hồ xong thì đem đồ đựng về.
  • 100% số người lái ô tô đi thả cá quẳng cả cá cả túi xuống hồ (100% vì có mỗi 1 xe, mang biển số Hà Nội – cụ thể là 30… – xx66).
  • 80% số người thả cá mà giữ lại túi không đi xe biển số Hà Nội (vì họ đi xe biển ngoại tỉnh hoặc không đi xe).
  • 60% số người quẳng cả cá lẫn túi nylon xuống hồ là phụ nữ chưa già và ăn mặc đẹp.
  • 40% số người đi qua hiện trường kêu ca về ô nhiễm và ý thức.
  • 20% trong số những người kêu ca dừng lại, cúi xuống, gom túi nylon ướt vứt vào thùng.

____________

* Tạm tính là 3.5 người vì có người quẳng xong thì bị người khác nhắc nên lấy sào khều túi lên.

Ngoài ra, còn một người không thả cá, không kêu ca, chỉ nhặt túi nylon, chụp ảnh và nghĩ ra những điều nhảm nhí sau:

  1. Không nên cắm biển ghi chung chung là “Giữ hồ trong sạch” mà phải ghi rõ “Chỉ thả cá xuống hồ, những thứ khác mời cho vào thùng rác”.
  2. Không nên để cho phụ nữ chưa già và ăn mặc đẹp đi thả cá, vì họ sợ bẩn nên sẽ vứt nguyên túi xuống nước.
  3. Không nên tự hào là người Hà Nội, kể cả Hà Nội gốc lẫn Hà Nội ngọn.

Quán nước chè mùa đông*

* Thơ Xuân Quỳnh

Kà Kê Quán

Quán trà Vô Thường, nơi mình chụp ảnh bìa cho cuốn Phải lấy người như anh xuất bản lần đầu tiên, đã dẹp. Ông chủ giờ xem phong thuỷ đắt sô nhưng vẫn chưa thôi ham chuyện tụ tập khề khà chén trà câu (buôn) chuyện, mở một quán khác, lấy cái tên nghe rõ tinh thần đàn đúm: Kà Kê. Vẫn kiểu quán văn nghệ sinh viên với ghế mây, nhạc cụ và một đống đồ “đồng nát” ông chủ nhặt nhạnh -à, phải nói trang trọng một tí là sưu tầm- bày rải rác, nhưng phong cách nội thất lần này có vẻ hiện đại hơn. Trà thì vẫn thế, nóng, thơm, trước đắng sau ngọt.