Đây là bài viết của một bạn đọc gửi cho www.tranthutrang.net. Tôi (Trần Thu Trang) chỉ biên tập phần câu chữ, thêm một chú thích nhỏ và đặt tên cho phù hợp nội dung. Hy vọng chuyên mục Những file ảnh kể chuyện sẽ nhận được nhiều bài viết như thế này trong tương lai.
Bài và ảnh: BS. Vũ Hưng (Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương)

Người phụ nữ trong ảnh tên là Phượng Mùi Chiều, bệnh nhân ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Chị là người dân tộc thiểu số*, sống ở tỉnh Lạng Sơn. Mới 25 tuổi nhưng nhìn bên ngoài tôi cứ tưởng chị phải 35. Ngày nhập viện, chị được xếp vào đúng giường bệnh mà tôi điều trị. Lúc mới vào thăm bệnh thì quả là vất vả vì chị Chiều không nói được tiếng Kinh, còn chồng của chị thì đi đâu mất. Tôi đành ngồi chờ khoảng hai tiếng sau mới gặp được anh chồng, anh này nói được tiếng Kinh tuy giọng nói thì vẫn rất khó nghe.
Tôi hỏi chuyện thì mới biết anh ấy đánh rơi tiền trên đường nên đi tìm, số tiền khoảng 600 ngàn đồng, không tìm thấy, nên nhìn anh ấy rất buồn. Anh ấy kể: gom hết tiền trong nhà và đi vay mấy nhà hàng xóm được gần 3 triệu để đi Hà Nội chữa bệnh, tiền trả thuê xe chở người hết 1 triệu 500 ngàn, số tiền còn lại chia ra để trong hai túi áo trong người, khi xuống xe không biết thế nào rơi mất một món. Anh ấy quay lại nơi đã xuống xe ôtô để tìm nhưng không thấy.
Tôi hỏi hoàn cảnh gia đình, biết được anh làm việc trong uỷ ban xã, anh chị có hai con, các cháu đẻ cách nhau một năm, đều khoẻ mạnh. Cháu nhỏ đi viện cùng mẹ mới được 5 tháng tuổi, cháu lớn gửi ở nhà ông ngoại. Gần đây khi thấy vợ kêu mệt, anh cho đi khám ở xã, xã chỉ lên huyện, huyện chỉ lên tỉnh. Lên tỉnh, các bác sỹ vẫn không đủ khả năng chữa, cho giấy giới thiệu đến khám bệnh ở Viện Huyết học- Truyền máu TW. Số tiền chi cho cái vòng vo này mất gần hai triệu đồng nhưng cũng rất mừng vì bác sỹ ở tỉnh đã chuyển bệnh nhân đúng nơi cần đến. Vì những rủi ro dọc đường, khi vào viện thì hai vợ chồng bệnh nhân chỉ còn có hơn 700 ngàn trong túi. Tiền để ký quĩ ban đầu theo qui định là 2 triệu, chúng tôi đành cứ để cho chị ấy nhập viện và ký quĩ tạm 500 ngàn. Bác sỹ trưởng khoa nghe báo cáo lại về tình hình bệnh nhân cũng ủng hộ về cách xử lí này.
Qua khám bệnh và làm xét nghiệm máu, kết quả thật tồi tệ, bệnh nhân bị Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt, một thể ung thư máu có diễn biến chậm. Số lượng tế bào ung thư trong máu tăng rất cao, gấp 20-40 lần bình thường. Với số lượng tăng cao như vậy thì cách điều trị tối ưu là cần tiến hành gạn bớt số lượng tế bào ung thư trong máu bằng một loại máy phân tách thành phần máu, một phương pháp tiên tiến nhất hiện nay. Tuy nhiên, chi phí cho thủ thuật gạn tách này mất hơn 3 triệu đồng, nó quá lớn với gia đình bệnh nhân nên không thể tiến hành làm cho chị được, chỉ còn một cách duy nhất là tiến hành truyền hóa chất và uống thuốc làm giảm tế bào ung thư.
Chị Chiều được xếp nằm ở giường kê thêm ở hành lang khu điều trị vì không còn giường bệnh (đợt này bệnh nhân vào khoa rất đông, khoa đang phải xếp ghép 2-3 bệnh nhân một giường). Mọi người trong khoa, người nhà chăm bệnh nhân khác đi qua lại thấy cảnh hai mẹ con người dân tộc và biết hoàn cảnh gia đình rất nghèo, lại mất tiền khi đi đường nên ai cũng động lòng thương, mỗi người cho một ít, người cho đồ ăn, người cho mấy chục ngàn, không cần ai bảo ai.
Đến ngày thứ ba kể từ khi vào viện, buổi sáng đi khám bệnh cho mẹ cháu lại thấy cháu ho nhiều, sờ thấy sốt nóng. Tôi nghe mấy người nhà bệnh nhân xung quanh nói cho biết tối qua mẹ cháu cho cháu ra vòi nước công cộng tắm lúc hơn 10 giờ đêm nên vội đưa cháu đi chụp phổi. Kết quả chụp cho thấy thằng bé bị viêm phổi, đành phải kê đơn thêm thuốc kháng sinh và hạ sốt vào hồ sơ của mẹ. Có lẽ cháu có sức đề kháng tự nhiên tốt nên hồi phục nhanh, uống thuốc được hai ngày thì ho và sốt cũng giảm. Tình cảnh của gia đình bệnh nhân được báo cáo lên lãnh đạo viện. Ban lãnh đạo quyết định miễn toàn bộ chi phí điều trị bệnh cho hai mẹ con chị và trích chi 3 triệu trong quĩ ủng hộ bệnh nhân nghèo cho gia đình chị. Sau 11 ngày nằm viện thì bệnh nhân ổn định, được cho ra viện, lúc này cháu nhỏ cũng đã khỏi hẳn viêm phổi.
Bức ảnh trên tôi chụp trong ngày gia đình bệnh nhân được ra viện và nhận số tiền mà viện tặng. Nếu nhìn kỹ trong ảnh sẽ thấy chị Chiều đang cầm trong tay cái phong bì tiền mới nhận. Khi đón nhận tình cảm mà nhân viên của khoa và mọi người dành cho mình, anh chồng rất xúc động nói một câu cảm ơn tất cả mọi người, còn chị vợ chỉ thấy cười cười.
* Qua trang phục trong ảnh, tôi đoán chị Chiều là người Dao nhưng không có thêm thông tin khẳng định nên chỉ có thể chú thích như vậy. (TTT)