Trần Thu Trang Rotating Header Image

October, 2020:

Truyện dịch: Hai màn bi kịch Người Thổ Mới

Tác giả: Saki*

Bộ trưởng bộ Nghệ thuật (cái bộ mới được kỹ nghệ bầu cử vẽ thêm) đi thăm chính thức một cố vấn cao cấp. Theo nghi lễ xã giao phương Đông, họ đàm luận về mấy chủ đề vô thưởng vô phạt. Đúng lúc tiện mồm định nói đến cuộc thi chạy Marathon thì vị bộ trưởng nhớ ra là ông cố vấn có bà người Ba Tư và có thể coi bất cứ lời ám chỉ nào về cuộc thi Marathon là xúc phạm[1]. Ngay lúc đấy, bộ trưởng lái chủ đề sang hướng khác.

– Theo hiến pháp mới thì phụ nữ có quyền bầu cử, có phải không ạ? – ông chợt hỏi.

– Quyền bầu cử á? Đàn bà á? – ông cố vấn kêu lên ngạc nhiên – Ông bộ trưởng thân mến, Cải cách đã lố bịch lắm rồi, đừng cố làm nó lố lăng thêm nữa. Đàn bà không có tâm hồn cũng chẳng có trí khôn, sao lại phải cho đàn bà quyền bầu cử cơ chứ? (more…)

Cô-Hồng-Không-Hú hay chuyện về những người có vẻ ham đọc

Thỉnh thoảng, thấy trên báo hay trên mạng xã hội có người viết cái gì đó kêu ca hoặc cổ vũ về văn hoá đọc, mình cũng hăm hở vào xem bà con kêu/cổ ra sao. Hầu hết các lần, mình đều phải đọc những ý kiến tâm huyết lắm, đau đáu lắm, và người ta vẫn chỉ nhắc đi nhắc lại những “Trăm năm đơn”, “Bông HỒNG vàng”, “KHÔNG gia đình”, “Đồi gió “… tức là những cuốn đã được dịch và xuất bản ít nhất đã 30 năm nay. Người thực sự có thói quen đọc sách thường sẽ không nhắc gì đến mấy cuốn đó khi nói về sách, vì ngành xuất bản mười mấy năm đổ lại đây đã ra được nhiều cuốn đáng nhắc hơn rồi. Tất nhiên, những người ưa liệt kê mấy đầu sách kia cũng từng có thói quen đọc sách, nhưng chỉ là từng mà thôi.