Trần Thu Trang Rotating Header Image

May, 2009:

Phá sản, lần thứ 3

Đại nhân (tức người hiện đại) có câu: “Muốn đứa nào phá sản, cứ ấn vào tay nó cái body”. Body ở đây không phải xác chết, mà là thân máy ảnh.

img_1640ccopy

Hướng dẫn chuyển blog từ Yahoo sang WordPress

Mình viết cái này để giải vây cho một số bạn đang mắc kẹt với cái blog ở Yahoo 360 đầy lỗi, và một số bạn khác đã chuyển đi bị những người còn ở lại réo gọi hỏi cách chuyển.

Người dùng Việt Nam vốn có sự gắn bó đáng kinh ngạc với mọi dịch vụ của Yahoo nên mấy năm qua số lượng người tham gia Yahoo 360 phải nói là đông như quân Nguyên bất chấp những nhược điểm tày trời của nó. Họ chia sẻ đủ thứ trên giời dưới biển trong blog Yahoo 360 của chính họ và của đồng bọn. Thế rồi, khi Yahoo tuyên bố (more…)

Mùa hè, đi ăn chè ba miền

Bài đã đăng trên tạp chí Vietica tháng 4/2009.

Cái nắng chói chang, oi ả của mùa hè đã bắt đầu làm những cơn khát xuất hiện nhiều hơn. Đã tới lúc nghĩ đến những ly chè thơm mát. Hãy thử làm một chuyến du khảo chè ba miền, xem ở từng vùng miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam, người ta nấu và ăn những món chè gì.

Chè Bắc mộc mạc

Điểm lại các món chè đặc trưng của đất Bắc, nào là chè đậu đãi, chè cốm, nào là chè bà cốt, chè khoai sọ…, toàn những món chè không cần ăn cùng với đá hoặc thậm chí phải ăn nóng, ta mới chợt nhận ra, dường như người miền Bắc không coi chè như một món ăn của mùa hè. Có lẽ, vì thời tiết miền Bắc ngày xưa lạnh nhiều hơn nóng, và kỹ nghệ làm nước đá chưa phổ biến. Chỉ hơn hai chục năm trước, khi việc đi lại giao thương giữa các miền đất nước chưa phát triển như bây giờ, kinh tế cũng vẫn còn khó khăn, đường vẫn còn là một thứ thực phẩm chỉ được dùng đến khi bị ốm, thật khó có thể tìm được một tiệm chè. Hay nói đúng hơn, ở đâu đó, trong các khu tập thể của công chức, người ta vẫn thấy vài chiếc bàn con bày những nồi chè đậu đen, đậu xanh. Chè được nấu rất đơn giản. Đậu đen hoặc đậu xanh đãi vỏ ninh cho chín mềm, thêm đường, loại đường mía nấu thủ công đóng thành bánh màu vàng sẫm. Ngoài nước đá, những “phụ gia” để ăn cùng với chè thường chỉ có dừa nạo, sang lắm thì được thêm mấy miếng thạch đen thái hạt lựu, điểm chút mùi thơm của dầu chuối hay hoa bưởi. Tuy giản dị và hơi đơn điệu nhưng những món chè ấy cũng có nét hấp dẫn riêng của sự thuần nhất, không pha trộn. Đến nay, dù đã có những tiệm chè cung đình Huế, chè Sài Gòn, chè Thái Lan… mở ra khắp nẻo, những tiệm chè nho nhỏ chỉ bán những món chè Bắc mộc mạc như thế vẫn có chỗ đứng riêng.

Chè Huế cầu kỳ

Là đất đế đô, nơi những bậc quý tộc, quan lại, trí thức và những người thợ khéo nhất tụ về, ẩm thực Huế chứa đựng những nét tinh hoa, vừa tinh tế, cầu kỳ vừa độc đáo, lạ lẫm. Món chè ở đây cũng không ngoại lệ. Hai món chè đặc trưng cho phong cách ẩm thực Huế được nhiều người biết đến là chè bột lọc heo quay và chè long nhãn hạt sen. Cả hai món này đều đòi hỏi nhiều công phu khi chế biến. Muốn có một viên bột lọc bọc heo quay, người ta phải làm tới 4-5 công đoạn, quay thịt, xào nhân, khuấy bột, nặn, luộc từng viên… Món long nhãn hạt sen thậm chí còn nhiều thử thách hơn, cùi nhãn phải được tách rất khéo, sao cho trông bề ngoài vẫn là nguyên hình dạng quả, nhẹ nhàng lấy hạt nhãn ra và thay vào đó là một hạt sen… Hương vị của hai món chè này cũng khác hẳn nhau. Nếu như chè bột lọc heo quay có vị ngọt thanh của đường phèn quyện với vị béo của thịt, trong cảm giác dai dai, lựt sựt của vỏ bột thì chè long nhãn hạt sen lại có hương thơm của nhãn lẫn hương thơm của sen quyện với vị ngọt bùi. Cả hai món chè này trước kia đều không ăn với đá. Nhưng hiện nay, trong tình hình khí hậu nóng lên, mọi thứ đều được ướp lạnh, món chè đầy vẻ quý tộc cũng trở thành món giải khát dễ kiếm. Ngoài ra, các tiệm hay gánh chè ở Huế còn níu chân khách thập phương bằng những món chè bắp hay chè đậu ván, ít cầu kỳ hơn nhưng cũng không kém phần đặc sắc.

Chè Nam đa dạng tưng bừng

Vùng đất phương Nam có ánh nắng chan hoà quanh năm, có người tứ phương đổ về lập nghiệp, có gạo trắng nước trong, có trái thơm quả ngọt, thực sự là nơi thích hợp cho tất cả các loại chè. Nếu ghé vào một xe chè rong bất kỳ trên đường phố Sài Gòn, ta sẽ thấy cả chè đậu ngự Huế lẫn chè bạch quả của người Hoa đang được bày bán. Thật khó để chỉ ra đâu là món chè tiêu biểu nhất cho miền Nam, nhưng lại rất dễ để nói về những đặc điểm nổi bật của nó. Đó là sự có mặt thường xuyên của thành phần nước cốt dừa và sự đa dạng trong các loại nguyên liệu. Không ở đâu người ta ưa dùng trái cây để nấu chè như ở miền Nam. Chỉ một loại chuối tây cũng có thể làm ra vài loại chè khác nhau (chè chuối nướng, chè chuối chưng, chè chuối nước…). Ngay cả những thứ tưởng như không thể cho vào chè như cùi trắng của trái bưởi hay nấm mèo cũng được người phương Nam kết hợp với những loại đậu, khoai thông thường, trở thành những món chè bưởi, chè thưng có hương vị bình dân, dẫu chỉ một lần thưởng thức cũng khó thể quên. Một trong những món chè Nam được nhiều người biết đến nhất là chè hạt lựu. Củ năng (hay còn gọi là củ mã thầy) xắt nhỏ xíu, trộn màu thực phẩm và bột năng, luộc chín, cùng với rau câu, cốt dừa và đá bào tạo nên một ly chè có màu sắc thật bắt mắt, nhìn xa trông như những hạt lựu thật vừa được tách ra khỏi vỏ…

Cùng với làn sóng di cư của người lao động, những món chè của vùng miền này nay đã xuất hiện và dần trở nên quen thuộc với người dân ở những vùng miền khác. Rất có thể, đến một ngày nào đó, người ta sẽ không còn phân biệt được đâu là chè Bắc, đâu là chè Nam nữa. Lúc đó, sẽ chỉ còn một tên gọi duy nhất là chè Việt Nam mà thôi.

Dốt nấu ăn vẫn có thể lấy chồng!

foodtalk04

Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 02/05/2009

Mấy chục năm trước, nếu ai đó thốt ra mấy lời trên, hẳn họ sẽ bị người ngoài đánh giá là nói năng hồ đồ, vớ vẩn. Trong bối cảnh kinh tế chưa phát triển, dịch vụ còn nghèo nàn, thời gian nhàn rỗi nhiều, xã hội vẫn nặng thành kiến, làm gì có cô gái nào lười biếng và to gan đến mức dám mù tịt chuyện nấu ăn rồi lại công khai điều đó cơ chứ! Nhưng khi thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới sắp qua, cùng với những thay đổi đến chóng mặt của mọi hiện tượng trong đời sống, câu nói này không còn mang nghĩa tự an ủi, đùa cợt hay mỉa mai như trước nữa, nó đã phần nào biến thành lời khẳng định.

Ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, việc một cô gái chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân mà vẫn chẳng biết chút gì về chuyện bếp núc không còn là điều hiếm gặp, lạ lùng hay “không thể tha thứ được” nữa mà đã là một thực tế. Bản thân tôi cũng nhiều lần phải giải đáp những thắc mắc rất cơ bản trong quá trình chuẩn bị bữa ăn gia đình của các bạn gái mới về nhà chồng, chẳng hạn như nấu cơm thì đổ nước cách gạo chừng nào là vừa. Thực tế này có thể không được tốt đẹp lắm theo quan niệm thông thường, nhưng cũng chẳng có gì sai trái đến mức phải lớn tiếng lên án. Thay vì đứng ngoài phán xét, những người trong cuộc nên tìm cách thích nghi với hoàn cảnh.

Trước hết, người chồng tương lai phải định nghĩa lại thế nào là biết nấu ăn. Ngày xưa, biết nấu ăn nghĩa là phải biết nấu cả món thường lẫn cỗ, phải biết tất cả công đoạn chế biến thực phẩm từ cắt tiết gà đến tỉa rau củ trang trí. Còn bây giờ, anh hãy vui lòng chấp nhận rằng biết nấu ăn đơn giản chỉ là biết cắm nồi cơm điện, nấu canh chua bằng gói nguyên liệu kèm gia vị mua sẵn ở siêu thị và gọt hết vỏ quả táo mà không làm đứt tay. Nói cách khác, các đức ông chồng chớ yêu cầu cao quá so với thực tế cuộc sống. Xin đừng bắt một phụ nữ chỉ quen dùng bếp gas phải biết nhóm bếp đun rơm rạ, đừng coi việc cô ấy không đem cá về nhà tự mình đánh vảy mà để người bán cá làm luôn tại chỗ là thiếu sót ghê gớm. Bởi chỉ riêng việc cô ấy đứng trong bếp cũng là một hành động đáng hoan nghênh rồi.

Tiếp theo, anh phải biết gánh lấy một phần công việc bếp núc. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều bận rộn, áp lực hiện nay đang tác động lên cả hai phái. Phái yếu cũng phải học hành, thi cử, làm việc vất vả theo thời gian biểu hệt như của phái mạnh. Họ thậm chí còn vất vả hơn các anh, vì thể chất của họ-như thiên nhiên quy định- đâu có mạnh mẽ bằng. Khi còn thiếu nữ, họ đã không thể bớt xén thời gian nghỉ ngơi hồi phục sức khoẻ để học nấu ăn đến nơi đến chốn thì đến khi lấy chồng, họ cũng khó có thể một mình chiến đấu đến mệt nhoài với nồi niêu mắm muối để nấu một bữa hợp khẩu vị của các anh. Chi bằng, anh hãy xắn tay lên cùng lăn vào bếp để vừa san sẻ nặng nhọc vừa chia sẻ kinh nghiệm cho cô ấy tiến bộ hơn.

Còn với cô gái không biết nấu ăn sắp xuất giá tòng phu, xin nhớ cho rằng nấu ăn là một cái tên chung ẩn chứa nhiều công việc riêng rẽ nhỏ nhặt. Không một cuốn sách hướng dẫn hay một khoá học ngắn hạn nào cung cấp cho bạn tất cả các kỹ năng sắp xếp tổ chức những thứ li ti ấy. Bạn buộc phải tự mình quan sát, trải nghiệm trong một khoảng thời gian tương đối dài mới có thể thành thạo được. Hãy cố gắng cải thiện khả năng nấu nướng của bản thân nhưng cứ làm từ từ từng bước một chứ đừng nên quá nóng vội muốn có ngay cơm ngon canh ngọt trong một sớm một chiều, vì điều này gần như không thể. Bởi nếu thực sự có chút yêu thích hay thiên khiếu trong chuyện bếp núc, có lẽ bạn không đợi đến tận lúc lấy chồng mới phát hiện ra mà đã phát huy nó lâu rồi. Hơn nữa, nếu bạn cứ tỏ ra sốt sắng quá, mọi người xung quanh có thể hiểu lầm là bạn rất đảm đang, họ sẽ dồn thêm việc cho bạn tối mắt tối mũi xoay xở. Đến lúc ấy, bạn có muốn quay lại thời ta còn vụng về cũng không được nữa rồi!