Bài đã đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 02/05/2009
Mấy chục năm trước, nếu ai đó thốt ra mấy lời trên, hẳn họ sẽ bị người ngoài đánh giá là nói năng hồ đồ, vớ vẩn. Trong bối cảnh kinh tế chưa phát triển, dịch vụ còn nghèo nàn, thời gian nhàn rỗi nhiều, xã hội vẫn nặng thành kiến, làm gì có cô gái nào lười biếng và to gan đến mức dám mù tịt chuyện nấu ăn rồi lại công khai điều đó cơ chứ! Nhưng khi thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới sắp qua, cùng với những thay đổi đến chóng mặt của mọi hiện tượng trong đời sống, câu nói này không còn mang nghĩa tự an ủi, đùa cợt hay mỉa mai như trước nữa, nó đã phần nào biến thành lời khẳng định.
Ở nhiều nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, việc một cô gái chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân mà vẫn chẳng biết chút gì về chuyện bếp núc không còn là điều hiếm gặp, lạ lùng hay “không thể tha thứ được” nữa mà đã là một thực tế. Bản thân tôi cũng nhiều lần phải giải đáp những thắc mắc rất cơ bản trong quá trình chuẩn bị bữa ăn gia đình của các bạn gái mới về nhà chồng, chẳng hạn như nấu cơm thì đổ nước cách gạo chừng nào là vừa. Thực tế này có thể không được tốt đẹp lắm theo quan niệm thông thường, nhưng cũng chẳng có gì sai trái đến mức phải lớn tiếng lên án. Thay vì đứng ngoài phán xét, những người trong cuộc nên tìm cách thích nghi với hoàn cảnh.
Trước hết, người chồng tương lai phải định nghĩa lại thế nào là biết nấu ăn. Ngày xưa, biết nấu ăn nghĩa là phải biết nấu cả món thường lẫn cỗ, phải biết tất cả công đoạn chế biến thực phẩm từ cắt tiết gà đến tỉa rau củ trang trí. Còn bây giờ, anh hãy vui lòng chấp nhận rằng biết nấu ăn đơn giản chỉ là biết cắm nồi cơm điện, nấu canh chua bằng gói nguyên liệu kèm gia vị mua sẵn ở siêu thị và gọt hết vỏ quả táo mà không làm đứt tay. Nói cách khác, các đức ông chồng chớ yêu cầu cao quá so với thực tế cuộc sống. Xin đừng bắt một phụ nữ chỉ quen dùng bếp gas phải biết nhóm bếp đun rơm rạ, đừng coi việc cô ấy không đem cá về nhà tự mình đánh vảy mà để người bán cá làm luôn tại chỗ là thiếu sót ghê gớm. Bởi chỉ riêng việc cô ấy đứng trong bếp cũng là một hành động đáng hoan nghênh rồi.
Tiếp theo, anh phải biết gánh lấy một phần công việc bếp núc. Cuộc sống hiện đại với quá nhiều bận rộn, áp lực hiện nay đang tác động lên cả hai phái. Phái yếu cũng phải học hành, thi cử, làm việc vất vả theo thời gian biểu hệt như của phái mạnh. Họ thậm chí còn vất vả hơn các anh, vì thể chất của họ-như thiên nhiên quy định- đâu có mạnh mẽ bằng. Khi còn thiếu nữ, họ đã không thể bớt xén thời gian nghỉ ngơi hồi phục sức khoẻ để học nấu ăn đến nơi đến chốn thì đến khi lấy chồng, họ cũng khó có thể một mình chiến đấu đến mệt nhoài với nồi niêu mắm muối để nấu một bữa hợp khẩu vị của các anh. Chi bằng, anh hãy xắn tay lên cùng lăn vào bếp để vừa san sẻ nặng nhọc vừa chia sẻ kinh nghiệm cho cô ấy tiến bộ hơn.
Còn với cô gái không biết nấu ăn sắp xuất giá tòng phu, xin nhớ cho rằng nấu ăn là một cái tên chung ẩn chứa nhiều công việc riêng rẽ nhỏ nhặt. Không một cuốn sách hướng dẫn hay một khoá học ngắn hạn nào cung cấp cho bạn tất cả các kỹ năng sắp xếp tổ chức những thứ li ti ấy. Bạn buộc phải tự mình quan sát, trải nghiệm trong một khoảng thời gian tương đối dài mới có thể thành thạo được. Hãy cố gắng cải thiện khả năng nấu nướng của bản thân nhưng cứ làm từ từ từng bước một chứ đừng nên quá nóng vội muốn có ngay cơm ngon canh ngọt trong một sớm một chiều, vì điều này gần như không thể. Bởi nếu thực sự có chút yêu thích hay thiên khiếu trong chuyện bếp núc, có lẽ bạn không đợi đến tận lúc lấy chồng mới phát hiện ra mà đã phát huy nó lâu rồi. Hơn nữa, nếu bạn cứ tỏ ra sốt sắng quá, mọi người xung quanh có thể hiểu lầm là bạn rất đảm đang, họ sẽ dồn thêm việc cho bạn tối mắt tối mũi xoay xở. Đến lúc ấy, bạn có muốn quay lại thời ta còn vụng về cũng không được nữa rồi!
Mấy câu cuối cùng thật là thâm thúy. ^^
em vua lay chong duoc nua nam.em biet com va biet nau canh chua khong can phai mua goi nguyen lieu san.Tham chi em con biet nhom ca bep lo nua :)).Nhung em van ung ho nhiet tinh”dot nau an van co the lay chong”.Chang phai co gai nao cung co duyen voi dao,thot,noi,nieu,xoong,chao dau nhi chi em nhi!Hay cu la chinh minh voi nhung uu nhuoc diem cua minh thoi con lay duoc chong hay khong dau don gian chi la biet nau an.
Em thích mấy câu cuối nhất! Nó có phần giống tình trạng của em hiện giờ dù em chưa có người yêu nữa!!!
– theo mình biết thì đa số bếp trưởng tại các nhà hàng, khách sạn lớn đều là Nam (đàn ông).
– đánh giá này cũng chỉ là để các bạn nữ cố gắng hơn thôi chứ,
sự thật phũ phàng là các công việc nặng nhọc nhất hoặc khéo léo nhất đều là đàn ông đứng mũi chịu sào !
– với mình thì phụ nữ nấu ăn bình bình cũng ok, cô ấy nên thông minh, biết chiều chồng với bạn bè, đối nhân xử thế !
– gặp một phụ nữ và nghe giới thiệu cô ấy làm tiến sĩ hay đại loại gì thế, đừng há hốc mồm nhé, hãy nói rằng rất vui or hoan nghênh đc gặp chị, cô, bà
địng nghĩa 1 gia đình mẫu mực: zai rửa chén, dọn dẹp. gái bỏ đồ đông lạnh dzô microwave.
Há há, nói chung em thấy hợp lý, thời đại tiến tới rồi thì phụ nữ cũng phải thông minh lên là vưà
Tình cờ vào blog của Trang, vì đang tìm cách chuyển nhà từ Yahoo sang WordPress. Chuyển nhà chưa được nhưng đọc bài này thấy có phần cuối rất chí lý, mình copy vào blog nhé!
À, địa chỉ blog mình ở đây
hay quá, kết nhất là câu cuối. Tks chị nhiều nhé
Em phải đưa bài này cho mẹ em đọc mới được!Sao mà chí lí thế ko biết!Nhất là đối với 1 người ghét nấu ăn như em!
Lâu rồi không ai bình luận câu chuyện này của T nữa nhỉ.
Mình từ trước đến giờ chưa khi nào đòi hỏi sự khéo léo hay sự cố gắng quá sức của người bạn gái cả, nhà có chị và em dâu nhưng những bữa cơm quan trọng toàn do mấy anh em cả. Mình chỉ cần một người con gái biết yêu, biết nghĩ và tốt tính, tất nhiên nàng đừng quá lười. Và điều này nếu bạn gái nào đoảng tý cần có một người đủ sức để đỡ thì sẽ không lo, sẽ tốt.
Em đang bị áp lực về vấn đề này đọc xong thấy vui hẳn, nhưng mà em vẫn sợ lắm chị Trang ạ