1. Tết năm nay rét đậm, mình ở tịt trong nhà đọc sách. Nếu tính cả truyện sến thì số sách mình đã đọc từ đầu năm (âm lịch) đến giờ phải lên tới 30 cuốn. Hồi xưa, việc đọc với mình chỉ đơn thuần là biết anh này yêu chị kia rồi có cưới được nhau hay không. Nay thì cầm quyển sách lên là phải xem xét đủ thứ, từ cách phân vai chia chương thắt nút mở nút của tác giả, cách chọn từ ngắt câu của dịch giả, đến cách dàn trang chọn font vẽ bìa và dòng xi-nhê “in xong và nộp lưu chiểu”. Âu cũng là bệnh nghề nghiệp!
2. Từ cách đây tầm 10 năm, mình đã có thói quen kè kè theo cái bút khi đọc sách. Lý do ban đầu là vì muốn chú thích một số chỗ – thường là điển tích điển cố – cho đứa em đọc sau dễ hiểu hơn. Theo thời gian, cả mức độ hiểu biết, nhất là hiểu biếtvề ngành xuất bản, lẫn mức độ khó tính và nhảm nhí nhố nhăng của bản thân đều tăng, những thứ ghi thêm vào sách của mình càng ngày càng đa dạng: những biểu tượng cảm xúc kiểu chat chit cho những đoạn hài hước hoặc lâm ly, những dấu hỏi cho những nghi vấn về logic tác phẩm hay từ ngữ có vẻ chưa chuẩn, những dấu chấm than cho những câu ấn tượng, cả ấn tượng rất tốt lẫn rất xấu… Trong một cuốn phi hư cấu (xin phép không nêu nhan đề) mà mình vừa đọc hôm mùng mấy Tết, mình đã ghi: “Người dịch bị dở hơi!”.
3. Thói quen để lại lời bình của bản thân vào sách khi đọc sách là thói quen của nhiều người theo nghề chữ nghĩa. Trong một số bản Kiều cổ, nhất là những bản chữ Nôm chép tay, thỉnh thoảng lại bắt gặp những lời bình viết bằng mực đỏ (chu bình) và mực đen (mặc bình). Sở dĩ phải có hai màu mực là vì có nhiều hơn một người đọc và bình, mỗi người viết một màu để phân biệt. Một trong số những lời bình mình nhớ nhất là của Nguyễn Lượng – em cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du – dành cho câu “Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân” trong đoạn Kiều sắp rời nhà bán mình chuộc cha, rằng: “Phụ tù, tỷ mại, chỉ quản hôn thuỵ” (Tạm dịch: Cha đi tù, chị bán mình, mà cứ ngủ mê mệt).
4. Sở dĩ có mấy dòng ghi chép vụn vặt này vì hôm nay mình vào Facebook, thấy một người bạn của mình viết về chuyện chị ấy đọc cuốn “Việt sử tiêu án” của Ngô Thì Sĩ, đến những đoạn “sử thần bàn rằng” lại buồn cười. Sử xưa ghi chép cô đọng (có lẽ vì điều kiện kỹ thuật không cho phép), giọng văn trung tính, ít phân tích nguyên nhân kết quả hô khẩu hiệu cái gì cũng nhờ thiên tài Đảng ta như sử nay, muốn biết quan điểm của người chép sử, chỉ có thể tìm trong những đoạn chu bình mặc bình ấy thôi.
5. Viết đến đây, chợt nghĩ, không biết sách của mình có ai ghi gì bên lề hay không…