Góc đọc sách

Chốn xưa, không thích hợp với đa số người đọc nữ 

Với tư cách là một độc giả nữ hãy còn ngây thơ (!), tôi rất không thích các tác phẩm văn học Trung Quốc đại lục được dịch mấy năm gần đây. Không hài hước. Không lãng mạn. Quá cực đoan. Quá phô trương. Nhiều tình dục theo kiểu "lấy thịt đè tình", nhiều những kiểu giết chóc theo kiểu nhổ cỏ tận gốc. Nó phản ánh chính tính cách con người cũng như lịch sử phát triển luôn lênh láng máu của đất nước quá rộng lớn và quá đông dân này. Khi đọc Chốn xưa của Lý Nhuệ, tôi tự nhủ: "Không nên trông đợi sự khác biệt làm gì!"

Và quả đúng như vậy. Chốn xưa không hài hước cũng chẳng lãng mạn. Thì đương nhiên rồi, chả nên trông mong sự hài hước và lãng mạn ở một tác phẩm được ca ngợi là Bác sĩ Zhivago của Trung Hoa (cái này nghe quen quen, hình như cuốn Đợi chờ của Cáp Kim cũng được tâng bốc tương tự). Còn giết chóc thì nhiều! 

Chốn xưa bắt đầu bằng một cuộc xử bắn đặc biệt "hoành tráng". Trong cái ngày tháng Chín âm lịch đúng tiết Sương giáng ấy, bên dòng Ngân Khê uốn khúc, bên bờ Thính Ngư trì xanh thẫm, một trăm linh tám người trong đó có ba mươi hai người thuộc dòng họ Lý - đại gia ởthành phố Ngân Thành - đã bị những người đại diện cho chính quyền mới lên trói ngoặt tay giong đến bên một bức tường và bắn, bắn vào đầu, đầu tung lên, máu và não toé ra nhuộm đỏ và trắng lốm đốm khoảng tường. 

Sau đó, cuộc xử bắn này đã trở đi trở lại trong truyện theo bút pháp siêu thực đan xen hiện tại và dĩ vãng một cách rất hiện thực huyền ảo, giống như Marquez đã viết Trăm năm cô đơn hay như Balzac viết Miếng da lừa. 

Sau đó, trong ba trăm mấy chục trang sách còn một lô những hành động chặt đứt sự sống khác, hoặc chủ động hoặc bị động, không phải xử bắn mà là thắt cổ hay bị xiết cổ, nhảy sông hay bị ném xuống sông... 

Lúc thì vì lý tưởng như trường hợp đảng viên Cộng sản bí mật Lý Nãi Chi cùng các đồng chí trừ khử Trần Tỉnh Thân, kẻ phản bội tổ chức và cũng là thầy giáo của anh, người đàn ông có bốn con nhỏ và một mẹ già bị loà; lúc lại vì gia tài và lòng ghen tuông, như cái chết không rõ nguyên nhân của đứa con trai mới đầy tháng mà nhà tư sản Bạch Thuỵ Đức có với người vỡ lẽ Liễu Quỳnh Cư; những cái chết khiến tôi vừa ngậm ngùi  thương xót vừa tràn trề ghê tởm. Thân phận con người trong cái xã hội Trung Hoa chưa bao giờ coi trọng sự sống sao mà mong manh. Người Trung Quốc đã vì những lý do rất ngớ ngẩn ấu trĩ mà đã đi diệt chim sẻ (và gần đây là diệt chó) hàng loạt thì cơn cớ gì mà không diệt cả “đồng bào”, thậm chí “máu mủ” hàng loạt vì những lý do cao đẹp như tư tưởng hay tài sản! 

Chốn xưa còn giống các tác phẩm made in China khác ở vài điểm. Một trong số đó là bóng dáng của những gia tộc lớn với những cuộc chiến dòng họ dai dẳng rả rích. 

Trong một thành phố Ngân Thành nhỏ bé chỉ sống nhờ khai thác muối mỏ, họ Lý hiện lên cao vời vợi khiến những người dân Ngân Thành phải dè chừng e sợ, dù cơ ngơi Cửu Tư Đường và những giếng muối của họ cũng đã sa sút kiệt quệ nhiều rồi. Họ Bạch của Bạch Thuỵ Đức - một người Tây học, làm giàu nhờ tận dụng thời buổi rối ren, một người năng động và thức thời - cũng nổi lên như một thế lực đối nghịch với họ Lý thủ cựu. Hình ảnh biệt thự Bạch Viên với hàng cột trắng theo phong cách Gotique tân tiến tráng lệ của Bạch Thuỵ Đức biết lái xe Ford đối lập với Cửu Tư Đường cổ kính thâm nghiêm của Lý Nãi Kính luôn đi kiệu như một phép so sánh sỗ sàng. Có lẽ hai dòng họ ấy còn đối nghich với nhau qua nhiều đời kiếp nữa nếu như bối cảnh của truyện không phải là một nước Trung Hoa trong những năm 1920 - 1970 đầy biến động… 

Điểm khác biệt lớn nhất của Chốn xưa so với các tiểu thuyết cùng thời (chẳng hạn như mấy cuốn của Mạc Ngôn) là tình dục được miêu tả vừa phải dễ chịu, không đến nỗi lấy thịt đè tình. 

Tóm lại, nếu bạn mang nhiễm sắc thể XX, ít quan tâm đến chính trị, hứng thú với thời trang hơn lịch sử và đang bị căng thẳng vì người yêu giận, con khóc hoặc sếp cằn nhằn, thì không nên đọc Chốn xưa. Cuốn này thực sự hơi nặng với đầu óc mong manh của phụ nữ chúng ta.

Chốn xưa - Lý Nhuệ, Sơn Lê dịch, NXB Hội Nhà văn.

 


Trở lại Góc đọc sách

Xem tiếp Bài khác

 

 © Tran Thu Trang